Người dân tất bật vớt rươi vào sáng sớm trên cánh đồng ngập nước |
Câu chuyện từ cánh đồng rươi lúc rạng sáng
Như thường lệ, khi tiếng gà còn chưa gáy, từ 2-3 giờ sáng, cả làng đã bừng tỉnh. Những người nông dân gắn bó với nghề, khoác lên mình chiếc áo mỏng manh chống gió lạnh, tay cầm đèn pin, thùng lưới, tất bật ra đồng. Một góc trời sáng rực lên bởi ánh đèn. Trên những cánh đồng ngập nước, người cắm lưới, người vớt rươi, người lại quét dòng nước để lùa rươi về bẫy. Không ai bảo ai, công việc diễn ra nhịp nhàng, cứ thế nối tiếp từ tờ mờ sáng đến chiều.
Nhóm Phóng viên có mặt trên đồng vào một buổi sáng , tay run run vì lạnh, nhưng đôi mắt không rời được khung cảnh trước mặt. Người dẫn nước, người hứng rươi, tiếng nước rì rào, tiếng cười vang lên làm không gian như ấm hơn. “Vất vả lắm đấy em ơi,” bà Nguyễn Thị Hoa, 65 tuổi, vừa vớt rươi vừa chia sẻ. “Nhưng mà mỗi mẻ rươi lên đỏ au, nhìn cũng thấy ấm lòng. Rươi là lộc trời, mà có lộc thì phải chịu khó thôi.”
Mẻ rươi tươi đỏ vừa thu hoạch |
Rươi – đặc sản “lộc trời” quý giá
Rươi là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đồng ngập nước này. Những con rươi nhỏ bé, đỏ au, sống dưới bùn nước lại mang giá trị dinh dưỡng cao và là nguyên liệu không thể thiếu cho những món ăn nổi tiếng như chả rươi, rươi xào củ niễng, rươi kho. Theo bà Hoa, mùa rươi thường kéo dài khoảng một tháng, từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch. Mỗi đêm, người dân có thể vớt được từ 5-10 kg, ngày may mắn có thể lên đến 15-20 kg. Với giá rươi hiện tại dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 700.000 đồng/kg, mỗi mùa, một hộ gia đình có thể thu nhập từ 10-20 triệu đồng, thậm chí cao hơn nếu gặp năm được mùa.
Không khí lao động không chỉ dừng lại vào ban đêm. Ban ngày, người dân lại tiếp tục làm sạch rươi, phân loại và đóng gói để bán cho thương lái. Thương lái từ khắp nơi đổ về, đặc biệt là Hà Nội – nơi rươi được xem như “vàng đỏ” cho các món ăn truyền thống.
Một số món ăn hấp dẫn từ rươi mang hương vị đặc trưng của ẩm thực miền quê |
Giữ gìn nghề truyền thống
Nghề rươi không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là niềm tự hào của người dân Hưng Nguyên. Bà Hoa kể: “Ông bà tôi làm nghề này từ bao đời nay, đến tôi là thế hệ thứ tư rồi. Nghề này cực nhưng vui, vì làng mình ai cũng góp sức. Chúng tôi không chỉ làm để sống mà còn để giữ truyền thống.”
Để giúp người dân phát triển nghề, chính quyền huyện Hưng Nguyên đang triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu “Rươi Hưng Nguyên”, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, duy trì nguồn nước sạch nhằm đảm bảo nguồn rươi ổn định qua các mùa.
Phóng viên rời cánh đồng Hưng Nhân khi nắng đã lên cao, ánh sáng soi rõ từng tấm lưới giăng, từng con rươi đỏ au được làm sạch cẩn thận. Khung cảnh lao động ấy cứ đọng mãi trong tâm trí. Nghề rươi không chỉ là câu chuyện của mồ hôi, của những đêm đông lạnh giá mà còn là bức tranh sống động về sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, giữa lao động và văn hóa truyền thống.
Rươi – “lộc trời” từ đồng Hưng Nguyên – mãi mãi là niềm tự hào của người dân nơi đây, là minh chứng cho sự bền bỉ, cần cù và khát vọng vươn lên từ những điều giản dị nhất. |