Huyện Mù Cang Chải đã và đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh minh họa. |
Từ vùng đất khó khăn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Mù Cang Chải đã và đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Điển hình cho sự chuyển mình này là mô hình trồng cà chua Beef trong nhà màng của anh Giàng A Mùi ở xã Nậm Khắt. Nhận thấy tiềm năng từ loại cây trồng này ở Đà Lạt, anh Mùi đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng quy trình VietGAP, cho năng suất lên đến 50-70 tấn/ha. Cà chua Beef với ưu điểm nhanh mềm, nhiều bột, thơm ngon đã được thị trường ưa chuộng, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Không chỉ cà chua, cây su su cũng đang "làm mưa làm gió" tại Mù Cang Chải. HTX nông nghiệp sạch T&D ở xã Lao Chải với mô hình trồng su su hữu cơ trên diện tích 12 ha đã gặt hái được nhiều thành công. Sản lượng su su đạt 7-10 tấn/ngày, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và đang hướng đến xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Đài Loan.
Từ những mô hình thành công, diện mạo nông nghiệp Mù Cang Chải đang thay đổi rõ rệt. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành: vùng trồng rau sạch, nấm, ớt chuông (trên 50 ha), vùng trồng hoa hồng (trên 100 ha), vùng lúa chất lượng cao (hơn 700 ha). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Như ở xã Nậm Khắt, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 46 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn hơn 12%.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Mù Cang Chải đang tập trung vào một số giải pháp chủ yếu: Quy hoạch vùng sản xuất tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao và thu hút đầu tư. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế... Đẩy mạnh sản xuất sạch, nâng cao nhận thức về lợi ích của sản xuất an toàn, hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản. Phát triển cây ăn quả, dược liệu để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.