Với hơn 14.700 ha cây ăn quả, trong đó gần 4.600 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, Hưng Yên có điều kiện thuận lợi để phát triển MSVT - Ảnh minh họa. |
MSVT là "chứng minh thư" cho vùng trồng, giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Việc này tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu, mở ra cơ hội đưa nông sản Hưng Yên vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
Với hơn 14.700 ha cây ăn quả, trong đó gần 4.600 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, Hưng Yên có điều kiện thuận lợi để phát triển MSVT. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh đã duy trì 33 MSVT với tổng diện tích hơn 235 ha cho các loại cây trồng như nhãn, vải, chuối.
Để đạt được MSVT, các vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ghi chép nhật ký sản xuất. Điều này giúp chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác cấp và quản lý MSVT vẫn còn một số hạn chế. Nhiều nông dân chưa tích cực tham gia do chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của MSVT và còn gặp khó khăn trong việc ghi chép nhật ký sản xuất.
Bên cạnh đó, việc giám sát, duy trì điều kiện vùng trồng sau khi được cấp mã số cũng chưa được chú trọng đúng mức. Một số hộ nông dân chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả vùng trồng.
Thời gian tới, Hưng Yên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn MSVT. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, hỗ trợ nông dân duy trì các điều kiện vùng trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Việc kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu và các vùng trồng được cấp MSVT cũng cần được chú trọng, tạo chuỗi cung ứng hiệu quả, giúp nông sản Hưng Yên vươn ra thị trường thế giới.