![]() |
Bà Trần Thị Chung, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An đầu tư mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp khép kín, bình quân hàng năm cho thu nhập hơn 1 tỷ 500 triệu đồng.
|
Những nông dân truyền cảm hứng làm giàu
Phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi đã mang lại cho bức tranh nông nghiệp nông thôn Cao Bằng những “gam màu” sống động. Nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh được sự tiếp sức của chính quyền, HND các cấp đã phát huy sức sáng tạo, năng động, khai thác hiệu quả tiềm năng, tận dụng tối ưu lợi thế của địa phương, gia đình về vốn, đất đai, nguồn nước…, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp mới mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành những nông dân tiêu biểu truyền cảm hứng làm giàu chính đáng.
Hộ hội viên nông dân Trần Thị Chung, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An 10 năm liền đạt danh hiệu Hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. Năm 2024, hộ bà Chung đạt SXKD giỏi cấp Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Bà Chung cho biết, gia đình bà đầu tư vào mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp. Trên diện tích đất canh tác của gia đình, bà duy trì 8.000 m2 đất trồng luân canh các loại rau màu theo mùa vụ, cho sản lượng đạt hơn 23 tấn rau màu/năm và 3.000 m2đất để trồng ổi trái vụ cho thu hoạch quanh năm, thu hoạch hơn 2,5 tấn quả/năm; trên diện tích vườn ổi, bà Chung nuôi thả 200 con gà thương phẩm và 400 con gà đẻ trứng. Còn hơn 6.00 m2 đất, bà xây 22 ô chuồng nuôi lợn, một năm gia đình bà nuôi 4 – 5 lứa lợn, mỗi lứa nuôi hơn 100 con, trung bình mỗi năm xuất chuồng hơn 80 tấn lợn hơi.
Với mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp khép kín, rau màu được chăm bón hoàn toàn bằng phân chuồng, phế thải từ chăn nuôi ủ hoai và phân ủ vi sinh. Thức ăn chính chăn nuôi lợn, gà, vịt được chế biến từ bột ngô, cám, đỗ tương ủ chín bằng men vi sinh, cùng với phế thải từ rau màu được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi phụ thêm. Từ mô hình này đã cho gia đình bà Chung nguồn lợi kép, tiết giảm chi phí sản xuất đáng kể, chất lượng sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi và môi trường luôn đảm bảo sạch, an toàn.
“Để mô hình sản xuất hiệu quả, tôi đã chủ động áp dụng kiến thức được tập huấn do chính quyền và HND tổ chức và tự học hỏi qua sách báo về sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi an toàn sinh học, cách phòng trừ bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi và quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ vào mô hình sản xuất của gia đình, nên cây rau màu, vật nuôi của phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm vượt trội. Tổng doanh thu từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình đạt hơn 1 tỷ 500 triệu đồng/năm; mỗi năm tạo việc làm cho 10 lao động tại chỗ, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng; hàng năm gia đình giúp đỡ cho 30 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm, để họ có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, tạo thu nhập ổn định, có cơ hội thoát nghèo”. Bà Chung chia sẻ.
Với gần 10 năn bền bỉ vượt khó đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gà, vịt thương phẩm, sản xuất con giống quy mô lớn và xây dựng thương hiệu, được sự hỗ trợ thiết thực của nhà nước, cùng với khát vọng làm giàu chân chính trên mảnh đất quê hương, mô hình SXKD của ông Hoàng Văn Bé, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng đã đem lại giá trị kinh tế cao.
Theo ông Bé, qua nghiên cứu và được đi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi gà, vịt, sản xuất con giống có quy mô, hiệu quả, năm 2015, ông đã mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, vịt thương phẩm theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên diện tích 3.000 m2 đất trồng cây truyền thống của gia đình và mua máy ấp trứng, máy nở, công suất ấp 20.000 quả trứng/tháng để sản xuất con giống. Hiện, ông Bé thường xuyên duy trì nuôi hơn 1.700 con vịt đẻ trứng, 700 con gà đen để chủ động nguồn trứng ấp, sản xuất con giống, mỗi lần ông cho ấp từ 2.000 – 2.500 quả trứng. Mỗi năm, gia đình ông bán hàng nghìn con giống gà, vịt đảm bảo chất lượng, với giá thành cạnh tranh.
Cùng với duy trì đàn vịt đẻ trứng, ông Bé nuôi hàng nghìn con vịt, hơn 600 con gà thương phẩm. Do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thức ăn chăn nuôi được chế biến hoàn toàn từ ngô, thóc, cám, bột cá, bã rượu, nên đàn vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng thịt vịt, gà săn chắc, thơm ngon được thị trường tin dùng. Hiệu quả mô hình chăn nuôi, sản xuất con giống đã mang lại thu nhập hàng năm cho gia đình ông Bé hơn 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí sản xuất. Gia đình ông Bé được công nhận Hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.
“Hiệu quả mô hình chăn nuôi của gia đình ông Hoàng Văn Bé đã đem lại giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định, mở ra cơ hội làm giàu bền vững. Đây là mô hình SXKD tiểu biểu được nhiều người dân trong huyện đến tham quan, học tập”. Bà Nông Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hà, huyện Hà Quảng cho biết.
![]() |
Mô hình chăn nuôi vịt, gà thương phẩm và sản xuất vịt, gà giống của ông Hoàng Văn Bé, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.
|
Nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi”
Tại Cao Bằng, Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp HND triển khai phát triển mạnh mẽ bằng các giải pháp thiết thực, đạt được kết quả quan trọng. Phong trào đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương; thu hút đông đảo hội viên, nông dân phát huy sức sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế, đã tạo sức lan toả sâu rộng. Số hộ hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi đều tăng hàng năm.
Năm 2024, toàn tỉnh có 26.701 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu SXKD giỏi, tăng 5.507 hộ so với năm 2023 và có 14.986 hộ đạt SXKD giỏi các cấp. Các hộ SXKD giỏi luôn có ý thức vươn lên làm giàu cùng với tinh thần hỗ trợ các hộ khó khăn, hộ nghèo địa phương về vốn, cây con giống, vật tư, kỹ thuật, tạo việc làm tại chỗ để giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Để đẩy mạnh phong trào phát triển, những năm qua, HND các cấp bám sát thực tế địa phương, hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thực hiện phong trào thi đua. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tuyên truyền, nhân rộng các gương hội viên nông dân điển hình, các mô hình SXKD, các cách làm hay hiệu quả.
HND tỉnh chỉ đạo cấp hội các địa phương thường xuyên tập huấn, hỗ trợ cung cấp kiến thức cho nông dân nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Năm 2024, các câp Hội tổ chức bồi dưỡng cho gần 1.060 hội viên, nông dân SXKD giỏi, giới thiệu 3 hội viên nông dân tiêu biểu tham gia bình xét danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, đã có 1 hội viên được Trung ương HND công nhận. Gần 1.360 cán bộ, hội viên nông dân được tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng thực hiện phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; 90 cán bộ, hội viên nông dân được đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh…
Các cấp hội hỗ trợ giúp hội viên nông dân thông tin sản phẩm, thị trường tiêu thụ nông sản qua trang thông tin điện tử HND tỉnh Cao Bằng, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết cung – cầu, mở rộng thị trường. Năm 2024, HND đã hướng dẫn 2.376 hội viên mở tài khoản trên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ hội viên nông dân đưa 330 mặt hàng nông sản đặc hữu của địa phương lên sàn thương mại điện tử. Vận động, giúp hội viên nông dân lựa chọn, đăng ký và xây dựng sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật sản xuất, khuyến khích hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tạo ra sản phẩm giá trị kinh tế cao. Quản lý hiệu quả và tạo thuận lợi hỗ trợ các nguồn vốn cho nông dân vay đầu tư vào các dự án sản xuất kịp thời. Hiện, Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đang quản lý 79 tỷ 663 triệu đồng, triển khai cho vay 358 dự án, với 2.716 hộ vay, số tiền gần 73 tỷ đồng. Nguồn quỹ trở thành nguồn lực tiếp sức cho nông dân đầu tư mở rộng SXKD, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, ổn định đời sống. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình SXKD hiệu quả, nhiều hộ nông dân SXKD giỏi có thu nhập từ vài trăm triệu đến hành tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Nông Công Hoạ, Phó trưởng Ban Kinh tế HND tỉnh Cao Bằng, Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, thiết thực, sát tình hình địa phương, phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, được các cấp HND tỉnh Cao Bằng triển khai phát triển mạnh mẽ, có sức lan toả sâu rộng trong hội viên nông dân toàn tỉnh. Phong trào đã tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết nông dân hợp tác sản xuất, đưa phong trào thi đua phát triển với chất lượng ngày càng đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả.
“Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương nông dân tiêu biểu có tinh thần lao động cần cù, bền bỉ vượt khó, phát huy sức sáng tạo, năng động, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, không ngừng nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Phong trào đã phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và cuộc sống của các hội viên nông dân. Đã và đang trở thành động lực quan trọng khích lệ nông dân thi đua làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn địa phương phát triển bền vững”. Phó trưởng Ban Kinh tế HND tỉnh Cao Bằng Nông Công Hoạ nhận định.