![]() |
Hình ảnh minh họa |
Xây dựng mô hình phân phối, quảng bá sản phẩm đặc trưng
Để quảng bá và đưa nông sản vùng sâu, vùng xa đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các địa phương xây dựng và nhân rộng nhiều điểm bán hàng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 44 điểm bán hàng được thiết lập, trong đó có 27 điểm với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 10 điểm phục vụ khu vực miền núi và 3 điểm trưng bày sản phẩm “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Các mô hình này không chỉ tạo điều kiện tiêu thụ ổn định cho nông sản địa phương mà còn là nơi quảng bá sản phẩm đã được đánh giá, thẩm định, xây dựng uy tín và thương hiệu. Qua đó, người tiêu dùng có thêm địa chỉ tin cậy để lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng.
Phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ
Tỉnh Lâm Đồng xác định liên kết sản xuất là yếu tố then chốt trong tiêu thụ nông sản bền vững. Đến hết năm 2025, toàn tỉnh dự kiến có 428 chuỗi liên kết, với gần 47.600 hộ dân tham gia, diện tích liên kết trong trồng trọt đạt 85.000 ha và sản lượng khoảng 920.000 tấn/năm. Trong chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi ước đạt hơn 2,2 triệu con, sản lượng khoảng 210.000 tấn/năm.
Việc tham gia chuỗi liên kết giúp nông dân sản xuất theo kế hoạch, tuân thủ quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây cũng là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản tỉnh nhà.
Đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hơn 60 sự kiện xúc tiến thương mại mỗi năm, từ hội chợ, hội nghị, hội thảo đến các hoạt động kết nối cung cầu, giao thương trong và ngoài nước. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết hợp tác phân phối sản phẩm với các đối tác trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Trung Quốc…
Sở Công Thương cũng tăng cường kết nối với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm cập nhật thông tin về thị trường và nhu cầu nhập khẩu, từ đó giới thiệu tới doanh nghiệp trong tỉnh thông qua email, mạng xã hội, các trang thông tin điện tử chuyên ngành.
Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản
Cùng với xu hướng chuyển đổi số, Lâm Đồng đã chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ. Doanh nghiệp địa phương đã được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon, Sendo, Lazada, Postmart… Hiện tỉnh có 5 sàn TMĐT, 3 ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, 383 website bán hàng và 7 ứng dụng bán hàng được Bộ Công Thương xác nhận.
Ngoài ra, nhiều lớp tập huấn về kỹ năng số, marketing trực tuyến, xuất khẩu điện tử… cũng đã được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho các chủ thể sản xuất – kinh doanh.
Định hướng trong thời gian tới
Nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Đồng thời, khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi giá trị sản xuất, tận dụng lợi thế văn hóa và tự nhiên để gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch cộng đồng, qua đó tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
Với cách làm bài bản, toàn diện và định hướng đúng đắn, Lâm Đồng đang từng bước nâng cao vị thế cho nông sản miền núi, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững./.