![]() |
Hình ảnh Rệp sáp gây hại trên cây cà phê |
Năm 2024, công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, không để phát sinh dịch bệnh trên diện rộng. Tuy nhiên, với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được trồng tập trung, cùng với biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, nguy cơ xuất hiện các loại sinh vật gây hại mới và bùng phát dịch bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra.
Để chủ động ứng phó với tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, giao ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai công tác phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây trồng tại địa phương, tập trung diệt trừ cây Mai dương, bệnh khảm lá trên cây sắn, sâu bệnh hại trên cây dược liệu, đặc biệt là cây Sâm Ngọc Linh, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý sớm các đối tượng gây hại, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng trừ sinh vật hại cho người dân, tổ chức tập huấn, triển khai các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực, chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc mua bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Bên cạnh đó sẽ bố trí nhân lực để thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cân đối ngân sách địa phương để triển khai thực hiện phòng, chống dịch hại, báo cáo tình hình sinh vật gây hại cây trồng định kỳ hàng tuần, gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND các huyện, thành phố trước UBND tỉnh nếu để sinh vật gây hại phát sinh thành dịch hoặc lây lan trên diện rộng.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo kịp thời về tình hình sâu, bệnh hại, tập huấn, hướng dẫn người sản xuất áp dụng các quy trình VietGAP, GloballGAP, kỹ thuật canh tác để đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thiết lập, giám sát, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản, tiếp tục triển khai các giải pháp ngăn chặn và xử lý bệnh khảm lá Sắn, cây Mai dương, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tham mưu UBND tỉnh công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng trừ.
Các sở, ban ngành khác như Sở Tài chính, sở Công Thương, UB mặt trận tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo đài địa phương…..có trách nhiệm phối hợp tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện Chỉ thị, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với vật tư nông nghiệp, xây dựng các chuyên mục thông tin, tuyên truyền về phòng trừ sinh vật hại cũng như vận động Nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, trừ sinh vật hại.
Chỉ thị này là một bước quan trọng trong việc tăng cường công tác phòng trừ sinh vật hại cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và người dân, hy vọng rằng sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.