![]() |
Huyện Đam Rông đề nghị chú trọng kiểm soát 06 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc theo Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng |
Theo UBND huyện Đam Rông, trước thông tin dư luận về hoạt động xuất khẩu sầu riêng của các doanh nghiệp vào thị trường Trung Quốc, nhiều lô hàng của các doanh nghiệp đã không đảm bảo về điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm tồn dư các hoạt chất gây ảnh hưởng cho sức khỏe như: Cadimin, chất Vàng Ô…qua đó làm thiệt hại lớn đến giá trị kinh tế cho người sản xuất.
Huyện Đam Rông, diện tích Sầu Riêng tính đến cuối năm 2024 là: 3.015 ha (trồng thuần 1.420 ha, diện tích trồng xen 1.595 ha), diện tích cho sản phẩm 1.069 ha. Trên địa bàn đã cấp 04 mã vùng trồng xuất khẩu (Công ty cổ phần Nông nghiệp Life Solution 03 mã với diện tích 150 ha/34 hộ, sản lượng 5.883 tấn; Công ty TNHH B'laoFood 01 mã với diện tích 62,5 ha/15 hộ, sản lượng 2.110 tấn) và 6 mã nội địa với diện tích sầu riêng được cấp mã vùng trồng 89,9ha/35 hộ tại các xã (Đạ Rsal, Rô Men và Liêng Srônh), sản lượng 1.350 tấn.
Hiện nay, sầu riêng trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn xổ nhụy, do vậy để đảm bảo năng suất theo kế hoạch và giá trị kinh tế cho người sản xuất. UBND huyện Đam Rông chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường tăng cường phối hợp với Chi cục trồng trọt và BVTV quản lý, kiểm tra, giám sát các vùng trồng đã được cấp mã định kỳ và đột xuất; trường hợp phát hiện có dấu hiệu không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu và của Việt Nam thì đề nghị xử lý theo quy định.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc BVTV để kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh không đảm bảo theo quy định.
Theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND huyện chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã mở rộng sản xuất hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sầu riêng cho người dân và mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng dạng quả tươi và bóc múi cấp đông.
Trung tâm Nông nghiệp: Tiếp tục tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật quy trình canh tác, phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại (IPM), đặc biệt là việc quản lý các đối tượng kiểm dịch thực vật và các quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đối với các diện tích sầu riêng và vùng trồng sầu riêng trên địa bàn huyện.
Theo dõi chặt chẽ sinh vật gây hại trên cây sầu riêng để phát hiện, cảnh báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời nhất là các đối tượng đang lây lan gây hại mạnh tại địa phương như rệp sáp, bệnh xì mủ, thối rễ vàng lá, ... ; trong đó chú trọng kiểm soát 06 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc theo Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng (ruồi đục quả - Bactrocera correcta và 05 loài rệp: Dysmicoccus neobrevipes; Planococcus minor; Planococus lilacinus; Pseudococcus jackbeardsleyi; Exallomochlus hispidus) để nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần phát triển sầu riêng bền vững. Đồng thời hướng dẫn nông hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định (không sử dụng thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam trên cây sầu riêng).
UBND các xã: Tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp kiểm soát điều kiện sản xuất như: đất trồng, nước tưới, quy trình canh tác, đặc biệt việc sử dụng phân bón để hạn chế thấp nhất nguy cơ sản phẩm sầu riêng nhiễm dư lượng hoạt chất gây ảnh hưởng cho sức khỏe như Cadimi, chất Vàng Ô. Đồng thời phổ biến quy định về KDTV cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết và tuân thủ; đặc biệt là rệp sáp, ruồi vàng trên sầu riêng mà Trung Quốc quan tâm.
Chỉ đạo, quản lý tốt hoạt động mua bán giữa các đơn vị thu mua và nông dân nhằm tổ chức sản xuất, tiêu thụ sầu riêng không để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, phá vỡ các hợp đồng liên kết ảnh hưởng đến thị trường.
Các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể vùng trồng và nông hộ sản xuất: Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt quy trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo thời gian cách ly nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Kiểm soát quá trình sản xuất, sử dụng thuốc BVTV đối với các hộ liên kết, các hộ thuộc mã số vùng trồng do đơn vị đăng ký để kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác thu mua sản phẩm của đơn vị với các hộ liên kết, các hộ thuộc mã số vùng trồng do đơn vị đăng ký nhằm quản lý tốt hoạt động mua bán, tiêu thụ sầu riêng không để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, phá vỡ các hợp đồng liên kết ảnh hưởng đến thị trường.
Thiết lập, duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, lưu giữ thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc theo Điều 5, Điều 6 và thiết lập thủ tục thu hồi thực phẩm không đảm bảo an toàn theo Điều 8, Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường)./.