Hiện nay, Thái Nguyên có 129 hợp tác xã có sản phẩm đạt OCOP, với 273 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên - Ảnh minh họa. |
Năm 2024, Thái Nguyên đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế hợp tác. Toàn tỉnh hiện có 590 hợp tác xã nông nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng từ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp đến lâm nghiệp, thủy sản và nước sạch nông thôn. Bên cạnh đó, mô hình liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác cũng phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Nguyên đã chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hoạt động của các hợp tác xã không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều hợp tác xã đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Hiện nay, Thái Nguyên có 129 hợp tác xã có sản phẩm đạt OCOP, với 273 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Nguyên vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, khả năng liên kết, tiếp cận thị trường còn hạn chế.
Để kinh tế hợp tác phát triển bền vững, Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp: nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các hợp tác xã; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, kinh doanh cho cán bộ quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành. Đồng thời, cần hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản; khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thái Nguyên cũng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác, khuyến khích hợp tác xã liên kết với nhau, với doanh nghiệp, với các viện nghiên cứu, trường đại học để hình thành chuỗi giá trị nông sản; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, thí điểm các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hợp tác xã nông nghiệp số... phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các hợp tác xã và người dân, kinh tế hợp tác Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.