![]() |
Vườn đồi dứa hơn 2 ha của bà Hoàng Thị Thuý, xóm Nà Roác 1, xã Bạch Đằng, huyện Hoà An cho thu hoạch hơn trăm triệu đồng/năm. Ảnh Quốc Sơn. |
Cây trồng giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu
Theo bà Nông Thị Thương, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hoà An, cây dứa là cây dễ trồng, khả năng chịu hạn, ít bị sâu bệnh hại, thích nghi trồng trên đất triền đồi núi độ dốc trung bình, khí hậu nhiệt đới ôn hoà và kinh phí đầu tư sản xuất thấp hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống khác, cùng chu kỳ sinh trưởng ngắn. Với những lợi thế tự nhiên sẵn có đó, được chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo, vận động, các hộ nông dân một số xã của huyện đã áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư phát triển trồng dứa từ chính vụ chuyển sang trồng dứa trái vụ, bước đầu đã hình thành vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá. Sản phẩm quả dứa được thu hoạch quanh năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng trồng. Cây dứa được trồng nhiều tại các xã: Bạch Đằng, Lê Chung, Hồng Việt của huyện, quy mô hộ gia đình, với tổng diện tích hiện nay hơn 120 ha, năng suất bình quân 180 tạ/ha, mang lại cho nông dân vùng trồng giá trị sản xuất bình quân đạt từ 80 triệu – 100 triệu đồng/ha/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Nông Ích Hoán cho biết, cây dứa được nông dân xã Bạch Đằng trồng từ hàng chục năm nay. Để phát triển vùng trồng, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm và thực hiện mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, hàng năm xã phối hợp với các ngành chức năng huyện tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức canh tác tiên tiến, tạo điều kiện cho nông dân đi tham quan các mô hình trồng, chế biến dứa quy mô lớn hiện đại tại các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai… Qua đó, nhiều hộ nông dân đã biết áp dụng những kiến thức học tập được vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích tích trồng cây truyền thống kém hiệu quả sang trồng dứa thâm canh, rải vụ cho năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ trong xã trồng từ 2 ha - 3 ha đã cho thu lợi tiền trăm triệu mỗi năm, như các hộ: Trần Thanh Nghiệp, Vi Thị Thà, xóm Bản Sẳng; Nông Văn Nghi, Hoàng Thị Thuý, Lương Thị Hường, xóm Nà Roác 1.
Bà Lý Thị Hường, xóm Nà Roác 1 cho hay, gia đình tôi trồng dứa từ nhiều năm nay. Do áp dụng đúng kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón hợp lý, nên cây dứa phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội. Vườn dứa hơn 2 ha đã cho gia đình thu hoạch bình quân hàng năm gần 40 tấn quả, với giá bán dứa chính vụ dao động từ 4.000 đồng – 6.000 đồng/quả và giá bán dứa trái vụ từ 8.000 đồng – 10.000 đồng/quả, cho thu lợi gần 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí sản xuất.
Xã Bạch Đằng là địa phương có diện tích trồng dứa thâm canh, rải vụ nhiều nhất huyện Hoà An, dứa được trồng tập trung tại 3 xóm: Nà Roác 1, Nà Roác 2, Bản Sẳng. Năm 2024, toàn xã trồng 90 ha dứa, năng suất bình quân 180 ta/ha, cho sản lượng 1.623 tấn, giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng – 120 triệu đồng/ha/năm.
“Từ trồng cây dứa thâm canh, rải vụ, những năm gần đây kinh tế nhiều hộ nông dân vùng trồng trong xã được nâng lên đáng kể. Thu nhập từ trồng dứa đã cho nhiều hộ có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hỉnh như xóm Bản Sẳng có 22 hộ trồng dứa, thu nhập từ dứa, cả 22 hộ này đều có cuộc sống khá giả, đều có nhà xây kiên cố, nhiều nhà xây kiến trúc hiện đại. Cây dứa đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, là cây giúp nông dân địa phương có cơ hội giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”. Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Nông Ích Hoán nhận định.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, huyện Hoà An Nông Ích Hoán đến thăm vườn đồi trồng dứa của các hộ nông dân trong xã. Ảnh Quốc Sơn. |
Cần tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp thiết thực
Cây dứa đã khẳng định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ở các xã vùng trồng của Hoà An, nhưng trên thực tế nông dân vùng trồng của huyện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Đó là, địa hình đồi núi dốc, quỹ đất canh tác rất hạn chế, nông dân vùng trồng muốn mở rộng sản xuất hình thành vùng chuyên canh lớn nhưng khó tập trung được diện tích. Việc mở rộng diện tích canh tác đối với nông dân cũng gặp trở ngại bởi yếu tố pháp lý liên quan đến đất lâm nghiêp hoặc đất rừng quy hoạch.
Nông dân vùng trồng sản xuất vẫn mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các hộ nông dân để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, việc nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng còn hạn chế. Mặt khác chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào vùng trồng của huyện để thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, nên không tạo được vùng sản xuất hàng hoá tập trung đủ lớn, làm cho quá trình sản xuất không đồng bộ, sản lượng chưa tối ưu, chất lượng sản phẩm không đồng đều, dẫn đến nghịch lý là tình trạng nguồn cung sản phẩm dứa cho thị trường trong tỉnh thì thiếu, nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu cho các doanh nghiệp thu mua hay cung cấp cho những thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản lượng lớn. Như Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Nông Ích Hoán tâm sự.
Cùng với đường giao thông vào vùng sản xuất còn yếu kém, thì sản phẩm dứa chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có chỉ dẫn địa lý hay chứng nhận sản phẩm OCOP, khiến giá trị sản phẩm thấp, khó cạnh tranh, dẫn đến thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản phẩm dứa nông dân sản xuất ra tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, dễ dẫn đến tình trạng bị ép giá hoặc “được mùa, mất giá”…
Để tháo gỡ những rào cản này cho phát triển vùng trồng dứa theo mục tiêu đặt ra, huyện Hoà An tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Huyện tiếp tục quy hoạch vùng trồng hợp lý, chỉ đạo, vận động nông dân tận dụng tối ưu diện tích canh tác có lợi thế. Có giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng dứa theo quy hoạch sản xuất đã được huyện xây dựng để tạo điều kiện cho nông dân phát triển mở rộng vùng trồng.
Huyện có chính sách khuyến khích nông dân liên kết sản xuất thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực cùng nông dân đầu tư vào vùng trồng xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tạo điều kiện phát triển vùng trồng dứa chuyên canh tập trung quy mô sản xuất hàng hoá lớn. Chỉ đạo ngành chức năng tăng cường phối hợp thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến. Hỗ trợ nông dân vùng trồng xây dựng thương hiệu bảo hộ cho sản phẩm dứa, đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh sản phẩm. Dự báo kịp thời biến động thị trường, giúp nông dân vùng trồng kết nối cung – cầu. Hỗ trợ nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng… Sự đồng hành của chính quyền, các tổ chức đoàn thể của huyện và các doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng giúp nông dân vùng trồng yên tâm sản xuất.
Phát triển trồng dứa hình thành vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá ở các xã có lợi thế và tiềm năng đang là hướng đị hiệu quả, mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế của Hoà An. Cây dứa đã và đang khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của huyện, mang lại nguồn thu nhập cao, tạo ra nguồn lực cho nông dân vùng trồng có điều kiện thực hiện giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lẻn làm giàu, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông thôn bền vững.