Nỗi lo lớn nhất của người nông dân- những người làm ra các loại sản phẩm nông nghiệp, từ trước đến nay, đó là nỗi lo “được mùa- mất giá”, “được giá- mất mùa”, nỗi lo bị tư thương ép giá,…Vì vậy, Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây nguyên” đã tạo điều kiện ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm chanh dây nói riêng trong nhiều năm tới.
Mới đây, Trung tâm khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Păh và UBND xã Nghĩa Hoà tổ chức toạ đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây trên địa bàn xã Nghĩa Hoà. Tham dự tọa đàm, có các Hợp tác xã và các hộ thực hiện dự án trồng chanh dây trên địa bàn xã.
Buổi tọa đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây |
Tại buổi tọa đàm, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thông tin về tiềm năng phát triển của cây chanh dây; giới thiệu các loại giống chanh dây cho năng suất, chất lượng cao; hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP và tình hình tiêu thụ sản phẩm chanh dây trên địa bàn tỉnh hiện nay và những năm tới.
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa trao đổi kinh nghiệm với các hộ dân về kỹ thuật trồng chanh dây; khuyến cáo sử dụng, thời gian cách ly an toàn đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật và cách bảo quản chanh dây để đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu ra nước ngoài.
Đồng thời, cam kết thu mua sản phẩm chanh dây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với giá cả ổn định, tạo niềm tin cho người trồng chanh dây hiện nay và nhiều năm tới. Ngoài ra, các Hợp tác xã, các hộ trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã Nghĩa Hoà cùng tham quan các mô hình vườn trồng và ký kết kết hợp tác thu mua sản phẩm.
Được biết, từ năm 2023 -2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai đã triển khai mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xã: Xã Hnol- thuộc huyện Đắk Đoa với quy mô 20ha; xã Nghĩa Hòa – thuộc huyện Chư Păh với quy mô 10ha. Tổng kinh phí thực hiện gần 1,6 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ của Trung ương khoảng gần 500 triệu đồng và kinh phí đối ứng khoảng 1,1 tỷ đồng./.