![]() |
Mô hình trồng xoài VietGAP tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk |
Kế hoạch hành động năm 2025 thể hiện tỉnh Đắk Lắk đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng và ATTP cho sản phẩm nông lâm thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển chuỗi cung ứng bền vững và mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Mục tiêu này sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương trên thị trường quốc tế.
Trong năm 2025, tỉnh Đắk Lắk hướng tới đạt 100% các chương trình, đề án được hoàn thành đúng tiến độ, tăng 10% số hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường so với năm 2024. Đồng thời, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý từ cấp tỉnh đến cơ sở, bảo đảm trên 90% cán bộ quản lý chất lượng và ATTP được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Tỉnh cũng đặt chỉ tiêu đạt trên 95% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 100% cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định an toàn; 99% mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được lấy giám sát đạt yêu cầu. Đáng chú ý, tỉnh sẽ tăng ít nhất 10% số cơ sở được chứng nhận theo các tiêu chuẩn như VietGAP, VietGAHP, ISO, OCOP, GlobalGAP… so với năm trước.
Một điểm mới đáng chú ý là việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo niềm tin với người tiêu dùng và nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm. Trong lĩnh vực phát triển thị trường, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng bền vững gắn với quản lý chất lượng và ATTP, nâng tỷ lệ tiêu thụ qua các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử...) tăng ít nhất 10% so với năm 2024. Song song, tỷ lệ sản phẩm chất lượng cao đạt chuẩn sẽ được nâng lên đáng kể trong chuỗi cung ứng nội địa.
Về các giải pháp trọng tâm, kế hoạch nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ: hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực; tăng cường tuyên truyền và truyền thông; thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai công tác đảm bảo chất lượng và phát triển thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, đồng thời thực hiện hậu kiểm chặt chẽ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Việc này không chỉ nhằm kiểm soát rủi ro mà còn góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và các đối tác trong nước lẫn quốc tế đối với chất lượng nông sản Đắk Lắk.
Kế hoạch hành động năm 2025 không chỉ là bước đi kỹ thuật, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc nâng cao chất lượng nông nghiệp tỉnh nhà. Với định hướng đúng đắn và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Đắk Lắk đang cho thấy quyết tâm cao trong việc xây dựng thương hiệu nông sản sạch, an toàn và có giá trị gia tăng cao trên thị trường. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để tỉnh chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững, đồng thời nâng cao vị thế của nông sản Đắk Lắk trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam và thế giới./.