COP29 dự kiến diễn ra tại Baku, Azerbaijan vào tháng 11 tới - Ảnh minh họa. |
Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang đến gần, mang theo kỳ vọng về những bước tiến mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự kiến diễn ra tại Baku, Azerbaijan vào tháng 11 tới, COP29 được kỳ vọng sẽ là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất với sự tham gia của khoảng 80.000 đại biểu. Trước thềm hội nghị, Chủ tịch COP29 đã công bố 9 tuyên bố và cam kết quan trọng, khẳng định quyết tâm chung tay giải quyết thách thức biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris 2015.
Các tuyên bố và cam kết của COP29 tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, nổi bật là Lời kêu gọi đình chiến COP29. Nhận được sự ủng hộ của 127 quốc gia và hơn 1.100 tổ chức phi chính phủ, lời kêu gọi này nhằm ngừng xung đột trong thời gian diễn ra hội nghị, góp phần giảm khí thải quân sự, thúc đẩy hòa bình toàn cầu và hành động vì khí hậu. Một điểm sáng khác là Cam kết về lưới điện và lưu trữ năng lượng toàn cầu, với mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp 6 lần công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu, lên 1.500GW vào năm 2030. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý các nguồn năng lượng không liên tục như năng lượng gió và mặt trời.
Bên cạnh những nỗ lực chung, COP29 cũng phải đối mặt với thách thức lớn về tài chính khí hậu. Báo cáo độc lập của Liên Hợp Quốc năm 2023 ước tính cần 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030 để đầu tư vào các nước đang phát triển (không bao gồm Trung Quốc) ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia dễ bị tổn thương, đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính lớn hơn từ các nước phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, các nước giàu lại muốn chia sẻ gánh nặng tài chính với các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất.
Việt Nam, một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, đã và đang chủ động triển khai các giải pháp ứng phó. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam có thể tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển dâng thêm 1m, khiến khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập vĩnh viễn, ảnh hưởng trực tiếp đến 10% dân số. Nhận thức rõ những thách thức này, Việt Nam đã chủ động tham gia các công ước và hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu, ban hành nhiều chính sách, luật pháp và chương trình hành động cụ thể. Cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu.
Nam Cực xanh hóa: Vẻ đẹp hiểm nguy từ biến đổi khí hậu |
Cảnh báo mưa lớn kỷ lục ở Đông Nam Á |
Nóng lên toàn cầu: 100 năm biến đổi khí hậu |