Hiện tượng La Nina, dự kiến kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11/2024, sẽ là nguyên nhân chính khiến lượng mưa ở Đông Nam Á cao hơn bình thường - Ảnh minh họa. |
Đông Nam Á đang bước vào giai đoạn cuối năm với những thách thức chồng chất. Vừa phải tập trung khắc phục hậu quả của loạt bão lớn gây thiệt hại nặng nề trong những tháng qua, khu vực này lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ mưa lớn kéo dài, làm gia tăng rủi ro lũ lụt, sạt lở đất và đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, hiện tượng La Nina, dự kiến kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11/2024, sẽ là nguyên nhân chính khiến lượng mưa ở Đông Nam Á cao hơn bình thường. La Nina đẩy nước ấm về phía Tây Thái Bình Dương, mang đến lượng mưa lớn cho khu vực.
Philippines, quốc gia phải hứng chịu trung bình 9 cơn bão mỗi năm, đang trong tình trạng báo động cao. Dự báo cho thấy lượng mưa tại Philippines sẽ cao hơn mức trung bình cho đến cuối năm 2024, và có thể đạt mức cao hơn 160% so với mức trung bình vào tháng 1/2025.
Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Dự báo từ nay đến tháng 4/2025, Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều bão nhiệt đới hơn bình thường, đi kèm với lũ lụt và sạt lở đất. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc phục hồi sau bão Yagi, cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 26 tỉnh thành, chiếm hơn 41% GDP và 40% dân số cả nước.
Mưa lớn kéo dài không chỉ gây thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng mà còn tác động mạnh đến nền kinh tế khu vực. Nông nghiệp, du lịch và công nghiệp – những trụ cột chính của nền kinh tế Đông Nam Á – đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, hoạt động du lịch bị gián đoạn, các ngành công nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Thái Lan đang phải gánh chịu thiệt hại ước tính lên tới 30 tỷ baht do lũ lụt ở phía Bắc. Philippines vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của các cơn bão Gaemi, Yagi và Krathon. Các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với bài toán khó trong việc cân đối nguồn lực để vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa chủ động ứng phó với mưa lũ lớn có thể xảy ra.
Trong bối cảnh này, hợp tác quốc tế trong phòng chống và ứng phó với thiên tai trở nên đặc biệt quan trọng. Việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về công nghệ, kỹ thuật và nguồn lực sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á tăng cường khả năng chống chịu và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai.
La Nina có thể ảnh hưởng tới Việt Nam |
Những ảnh hưởng của La Niña tới môi trường |
Biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Thách thức và cơ hội phát triển |