![]() |
Vụ đông xuân năm 2025, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An trồng gần 217 ha cây dong riềng, đạt hơn 120% kế hoạch. |
Cây trồng chủ lực cho nông dân thoát nghèo
Cách thành phố Cao Bằng 15 km, xã Nguyễn Huệ, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của cây dong riềng huyện Hòa An. Cứ đến tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, khắp các xóm Canh Miện, Án Lại, Cốc Phát... lại vào vụ trồng cây dong riềng.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ Đàm Thị Thủy chia sẻ, năm nay, cả xã trồng gần 217 ha cây dong riềng, đạt hơn 120% kế hoạch. Điều đáng mừng là tất cả các xóm đều trồng, nhưng trồng tập trung nhiều nhất tại các xóm: Án Lại, Canh Miện A, Canh Miện B. Người dân trồng, vừa bán củ dong riềng, vừa làm nguyên liệu để gia đình trực tiếp làm miến dong tại nhà nên có thu nhập quanh năm. Những năm qua, xã Nguyễn Huệ được thụ hưởng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân được hỗ trợ giống cây, được chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và kiến thức sản xuất miến sạch, xây dựng thương hiệu, đóng gói cho sản phẩm miến dong Nguyễn Huệ, nên sản phẩm miến dong Nguyễn Huệ đã được gia tăng giá trị.
Gia đình ông Hoàng Văn Viên, xóm Cốc Phát, xã Nguyễn Huệ là một trong 3 hộ đi đầu trồng cây dong riềng của xóm với diện tích hơn 1 ha. Ông Viên cho biết, trước kia, gia đình tôi chỉ trồng ngô trên đồi dốc cho năng suất thấp. Mấy năm nay chuyển sang trồng cây dong riềng, mỗi năm gia đình tôi thu được gần 50 tấn củ dong, nhiều năm được mùa cho thu lợi gần 200 triệu từ bán phần củ dong và làm miến. Sản phẩm miến dong nhà ông Viên sản xuất được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. “Miến gia đình tôi làm hoàn toàn bằng bột dong riềng, không pha trộn, không tẩy trắng, không dùng phụ gia, sợi có màu xám đậm tự nhiên, khi nấu không bị nát, để nguội sợi miến vẫn dai, khi ăn có vị thơm ngon đặc trưng”. Ông Viên cho hay.
Hộ ông Hoàng Văn Cương, xóm Canh Miện, xã Nguyễn Huệ trồng cây dong riềng luân canh với trồng ngô trên diện tích lớn. Theo ông Cương, trồng luân canh giữa cây dong riềng và cây ngô sẽ giữ cho đất tơi xốp, tránh bạc màu vì cây dong riềng tuy dễ trồng nhưng nếu trồng cây dong riềng liên tục nhiều năm thì đất sẽ bị bạc màu, cây trồng cho năng suất giảm. Gia đình ông Cương đầu tư máy rửa củ, máy nghiền, ép miến, phơi sợi..., để sản xuất miến dong, mỗi năm bán ra hơn 1,5 tấn sản phẩm miến, trừ chi phí thu lợi hơn 200 triệu đồng. Đây là thu nhập đáng kể đối với vùng nông thôn miền núi này.
![]() |
Hộ ông Hoàng Văn Viên, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An mỗi năm trồng hơn 1 ha cây dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao. |
Mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, hướng đi bền vững
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòa An, năm 2024, huyện Hoà An trồng 220 ha cây dong riềng, tăng 120 ha so với kế hoạch, sản lượng đạt 14.222 tấn củ dong. Huyện đã triển khai hai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ở các xã: Nguyễn Huệ, Đại Tiến, tổng diện tích 86 ha, với hơn 300 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Dự án thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với các HTX, nông dân được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác an toàn, bao tiêu sản phân, nâng cao giá trị kinh tế.
Miến dong Án Lại, xã Nguyễn Huệ đã được chứng nhận OCOP 3 sao, là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Hoà An. Sản phẩm miến dong Án Lại không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà được tiêu thụ tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. Bà Nông Thị Thương, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòa An cho biết, cây dong riềng được huyện Hoà An xác định đây là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện, được huyện tiếp tục chỉ đạo, vận động nông dân vùng trồng mở rộng diện tích, đầu tư máy móc sản xuất miến sạch, khuyến khích phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá và xây dựng thương hiệu tập thể sản phẩm miến dong Hòa An.
![]() |
Sản phẩm miến dong Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hoà An được chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. |
Ông Hoàng Văn Thế, xóm Canh Miện, xã Nguyễn Huệ, người miến lâu năm cho biết, gia đình tôi có truyền thống làm miến dong từ thời cha ông. Nay có máy móc hỗ trợ nên đỡ vất vả hơn, nhưng quy trình sản xuất để làm ra sợi miến chất lượng, đảm bảo giữ được hương vị thơm ngon vẫn không thay đổi, từ chọn nguyên liệu củ dong đến rửa sạch, xay nhuyễn, lọc bột, phơi kỹ, ép sợi.
Hiệu quả kinh tế từ cây dong riềng và sản xuất miến dong đem lại, cho thấy huyện Hoà An xác định phát triển cây dong riềng là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện là hướng đi đúng có tính bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động nông thôn và phát triển nghề làm miến truyền thống địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện.