![]() |
Năm 2025, huyện Bảo Lạc được giao xóa 1.294 nhà tạm, nhà dột, đến nay đã triển khai 807 nhà, trong đó, 385 nhà đã hoàn thành. |
Gian nan đường vận chuyển vật liệu
Từ trung tâm huyện Bảo Lạc lên vùng đất biên giới xã Cốc Pàng, quãng đường hơn 30 km đèo dốc, quanh co. Những ngày mưa, xe không thể vào được xóm, vật liệu xây dựng buộc phải chuyển bằng sức người. Ấy thế mà giữa gian khó, những ngôi nhà mới vẫn dần mọc lên, khẳng định ý chí mạnh mẽ của bà con nơi đây.
Ông Linh Văn Dẻn, một trong những hộ dân được hỗ trợ xóa nhà dột nát ở xóm Khuổi Sá, xã Cốc Pàng xúc động nói “Trước đây, gia đình tôi phải ở căn nhà tạm, xiêu vẹo, mưa xuống là dột, con cái không dám ngủ. Giờ đã có ngôi nhà kiên cố, mái lợp tôn, tường xây vững chãi nơi ở khang trang, tôi yên tâm làm ăn hơn rồi”. Ngôi nhà của ông Dẻn được xây mới từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự đóng góp ngày công của anh em họ hàng, bà con trong xóm.
Không riêng gì gia đình ông Dẻn, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn xã Cốc Pàng đã có 57 hộ dân được hỗ trợ xây nhà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 15 hộ thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn đã hoàn thành. Ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cốc Pàng cho biết “Tuy địa hình hiểm trở, nhưng khi có sự quan tâm từ tỉnh, huyện, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng tiến độ. Bà con rất phấn khởi, tinh thần vươn lên rõ rệt”. Do địa hình phức tạp việc xây dựng nhà kiên cố gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu vận chuyển nguyên vật liệu “Một ngày 10 người gùi gạch, xi măng lên dốc, mỗi người vài lượt là có thể đủ cho một ngày làm móng”. Ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cốc Pàng chia sẻ.
Khi cả cộng đồng cùng chung tay
Theo ông Sinh Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân, Bản Diềm là một trong những xóm của xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Bảo Lạc, giờ đây những mái nhà mới khang trang được ví như luồng sinh khí làm đổi thay cuộc sống người dân. Với 62 hộ nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ, đến nay đã hoàn thành 29 căn nhà, số còn lại hiện đang thi công. Anh Chảo Vần Hang, dân tộc Dao, từng phải sống trong căn nhà gỗ xiêu vẹo kể "Biết có chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tôi mừng lắm. Sau khi được hỗ trợ, tôi đã thi công, được anh em trong bản giúp vận chuyển vật liệu, nên việc xây nhà cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện, nhà tôi cơ bản đã làm xong, chỉ còn sơn tường nữa là hoàn chỉnh”.
Năm 2025, huyện Bảo Lạc được giao xoá 1.294 nhà tạm, nhà dột nát, đến nay đã triển khai 807 nhà, trong đó, 422 nhà đã khởi công đang thực hiện, 385 nhà đã hoàn thành; 463 nhà chưa làm. Ông Lã Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện Bảo Lạc cho biết “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được huyện triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ từ huyện đến xã. Điều đáng mừng là trong quá trình triển khai, người dân rất đồng thuận, tự giác đóng góp ngày công, giúp nhau vận chuyển vật liệu. Qua đó, nâng cao ý thức cộng đồng, gắn kết giữa các hộ dân.” Chính từ sự đồng thuận ấy, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Bảo Lạc đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp. Mỗi ngôi nhà mới không chỉ là tài sản vật chất, mà còn là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết.
“Tuy nhiên do địa hình đồi núi, đường đi lại khó khăn, người dân phải mất 1/2 mức hỗ trợ của Nhà nước để chi phí cho vận chuyển vật liệu. Cho thấy chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh vẫn cào bằng, chứ chưa tính đến đặc thù vùng sâu vùng xa”. Ông Nam phân tích. Chia sẻ về chương trình, người đứng đầu Đảng bộ huyện Bảo Lạc cho biết: “Cùng với nguồn hỗ trợ Nhà nước, chúng tôi còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay đóng góp. Sự chung tay của cả xã hội, mỗi viên gạch đều chất chứa nghĩa tình”.
Theo ông Bế Tuấn Duy, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lạc, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã giải ngân hơn 7 tỷ 360 triệu đồng, nâng tổng dư nợ lên 17 tỷ 402 triệu đồng cho 419 hộ nghèo vay để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. “Chúng tôi cam kết giải ngân nhanh, kịp thời, minh bạch để đồng vốn đến đúng tay người dân cần được hỗ trợ. Phấn đấu trong năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục giải ngân hơn 3 tỷ đồng cho hộ nghèo để hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Ông Duy khẳng định.
![]() |
Phó Bí thư Thường trục Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát và tặng quà cho hộ nghèo tại huyện Bảo Lạc. |
Ngôi nhà – Khởi đầu của hành trình thoát nghèo
Mỗi ngôi nhà được xây mới không chỉ giúp người dân an cư mà còn tạo điều kiện để họ an tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Những căn nhà vững chãi giữa núi rừng Bảo Lạc là biểu tượng sống động cho tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đến kiểm tra tiến độ triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Bảo Lạc, ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Cao Bằng, chia sẻ những khó khăn của huyện. Yêu cầu Ban chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Bảo Lạc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình; tiếp tục rà soát, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế, nhất là những khó khăn để có sự hỗ trợ kịp thời cho các hộ ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. “Chúng ta xóa nhà dột nát không chỉ để có nơi ở cho bà con, mà để khơi dậy ý chí vươn lên, tạo động lực cho phát triển toàn diện nông thôn. Đó là nền tảng quan trọng để tiến tới xây dựng nông thôn mới bền vững”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê nhấn mạnh.
Có thể nói, hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở huyện vùng cao Bảo Lạc không chỉ là câu chuyện về những con số, mà là hành trình của tình người, của sự sẻ chia. Đó là những ngôi nhà mới, khởi đầu cho hành trình thoát nghèo cho mọi gia đình nơi biên giới, tiếp tục là cột mốc sống góp phần bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc.