Điểm thu mua cây thạch đen sấy khô của bà Triệu Thị Lệ tại xã Trọng Con, huyện Thạch An - Ảnh: Quốc Sơn. |
Cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế
Theo ông Lý Trường Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An, với lợi thế của cây thạch đen, từ năm 2016 huyện Thạch An đã vận động nhân dân tập trung phát triển mở rộng diện tích trồng cây thạch đen. Cây thạch đen được trồng nhiều tại các xã: Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, Trọng Con, Thái Cường, Đức Xuân, Thụy Hùng, Kim Đồng và rải rác các xã còn lại của huyện. Người dân trồng thạch đen hoàn toàn theo hướng hữu cơ, không dùng phân bón hóa học, chất kích thích. Toàn huyện hiện trồng hơn 509 ha cây thạch đen, năng suất đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt gần 2.955 tấn, đã đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân từ 80 – 100 tỷ đồng/năm. Thị trường tiêu thụ cây thạch đen chủ yếu do các công ty, hợp tác xã, tư thương thu mua từ các hộ về sơ chế, ép cục, xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mua về chế biến thạch đen thành phẩm đóng hộp bán thị trường trong nước.
Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Bảo Châu, thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà (Cao Bằng) đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến bột thạch từ cây thạch đen - Ảnh: Quốc Sơn. |
Tại xóm Nà Lẹng, xã Trọng Con, hộ ông Nông Văn Huân có hơn 5000m2 đất trồng cây thạch đen, bình quân một năm thu 3 tấn cây khô, bán được hơn trăm triệu đồng. Hộ bà Triệu Thị Tư trồng trên 3000m2, chỉ sau 4 tháng trồng cho thu hoạch hơn tấn cây khô, bán được gần 50 triệu đồng.
Ông Triệu Văn Khách, Công chức địa chính, nông nghiệp xã Trọng con cho biết, Xã Trọng Con có 486 hộ, thì trên 80% số hộ của 6/7 xóm có đất trồng được hơn 72 ha cây thạch đen, năng suất 58 tạ/ha, giá bán 42.000 – 45.000 đồng/kg. Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên cây thạch đen được mùa, được giá. Nông dân trong xã rất phấn khởi, nhiều hộ có dự định vụ trồng tới sẽ tăng diện tích trồng thạch đen.
Cơ sở sản xuất thạch đen thành phẩm đóng hộp Hằng Hoàng, xã Lê Lai là một trong những cơ sở sản xuất thạch đen thành phẩm tại huyện Thạch An. Sản phẩm thạch đen của cơ sở được công nhận sản phẩm tiêu biểu của huyện, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hằng năm, cơ sở sản xuất, bán ra thị trường 18 tấn thạch đen thành phẩm đóng hộp, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương, thu nhập 7 – 8 triệu đồng/tháng/lao động.
“Từ cây thạch đen, những năm gần đây kinh tế nhiều hộ dân trồng thạch được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở địa phương”. Ông Ngô Thế Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An nhận định.
Triển khai các giải pháp gia tăng giá trị cây thạch đen
Thực tế hiện nay nhiều cơ sở, hộ sản xuất thạch đen của huyện Thạch An đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Các sản phẩm thạch đen chưa có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, thị trường tiêu thụ không ổn định.
Ông Ngô Thế Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An cho biết, để gia tăng giá trị cây thạch đen, hướng tới sản xuất hàng hóa, xuất khẩu mang tính ổn định, bền vững, huyện Thạch An đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Huyện chú trọng tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, mời gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiềm năng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm từ cây thạch đen, tăng cường xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm thạch đen Thạch An.
Tại thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà (Cao Bằng), Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và thương mại Bảo Châu đã đầu tư xây dựng hoàn Nhà máy chế biến nông sản, sản xuất tinh bột có quy mô hiện đại, với dây chuyền công nghệ tiên tiến để sản xuất, chế biến bột thạch xuất khẩu từ cây thạch đen. Nhà máy có công suất 12 tấn cây thạch khô nguyên liệu/ngày. “Nhà máy đi vào hoạt động góp phần gia tăng giá trị công ty, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị cây thạch đen, tạo ổn định thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, giúp nông dân vùng trồng thạch yên tâm sản xuất…”. Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và thương mại Bảo Châu cho biết.
Để tạo thị trường sản xuất hàng hóa, huyện chỉ đạo, vận động nông dân phát triển diện tích, hỗ trợ nông dân thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây thạch đen. Phối hợp các đơn vị đối tác xây dựng chuẩn hóa quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, giúp người dân thiết lập các chuỗi liên kết giá trị tiêu thụ sản phẩm, hình thành, phát triển các vùng sản xuất hữu cơ tập trung. Đến nay, cây thạch đen huyện Thạch An đã được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 189 mã vùng trồng. Huyện thành lập 120 nhóm đồng sở thích về thạch đen, có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm.
Sản phẩm thạch đen đóng hộp được Cơ sở sản xuất thạch đen Hằng Hoàng tại xã Lê Lai, huyện Thạch An sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh - Ảnh: Quốc Sơn. |
Kêu gọi các nhà đầu tư tham gia hỗ trợ, xúc tiến quảng bá, hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm, huyện đẩy mạnh các hoạt động xác lập thương hiệu sản phẩm thạch đen. Phối hợp với các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm thạch đen đạt tiêu chuẩn OCOP. Thạch đen Thạch An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Thạch đen Thạch An – Cao Bằng”. Hiện có 9 cơ sở chế biến sản phẩm từ cây thạch đen trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được UBND huyện Thạch An cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.Việc sử dụng nhãn hiệu tạo lợi thế cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thạch đen dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tạo thương hiệu sản phẩm thạch đen Thạch An.
Là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Thạch An, với lợi thế có nhiều dược tính quý có lợi cho sức khỏe con người, được các cấp chính quyền huyện quan tâm đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, xuất khẩu, hình thành các vùng trồng hữu cơ tập trung, cây thạch đen đã phát huy tiềm năng, giá trị kinh tế, góp phần cho nông dân huyện Thạch An cơ hội thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.