Mô hình nhà màng, nhà lưới đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh minh họa. |
Hình thức canh tác này cho phép kiểm soát các yếu tố môi trường, hạn chế sâu bệnh, giúp người dân chủ động trong sản xuất và nâng cao năng suất cây trồng. Tại Thanh Hóa, nhiều địa phương đã và đang ứng dụng thành công mô hình này vào sản xuất hoa, rau, củ, quả.
Anh Nguyễn Văn Phương, một người trồng hoa lâu năm ở xã Xuân Du (Như Thanh), chia sẻ: “Nhà lưới giúp kiểm soát côn trùng, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hoa phát triển đồng đều và đạt chất lượng cao. Tôi có thể chủ động lịch trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết”.
Không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, nhà lưới còn cho phép anh Phương trồng thử nghiệm những loại hoa khó tính như lay ơn, cát tường, ly... Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm chi phí nhân công và đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Tại huyện Thọ Xuân, mô hình trồng rau, củ, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới cũng đang được nhân rộng. Chị Lê Thị Tuyết, một nông dân ở xã Xuân Hòa, cho biết: “Nhà màng giúp ngăn côn trùng, điều chỉnh ánh sáng, hạn chế sâu bệnh. Tôi cũng dễ dàng lắp đặt hệ thống tưới tự động, giảm công lao động”.
Theo chị Tuyết, canh tác trong nhà màng giúp chủ động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế gấp 2,5 - 3 lần so với canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, mô hình này cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có gần 250 ha rau, củ, quả và 300 ha hoa được trồng trong nhà màng, nhà lưới. Một số địa phương còn ứng dụng công nghệ thủy canh để sản xuất rau sạch. Nhờ lợi nhuận cao, mô hình này đang được khuyến khích nhân rộng tại các địa phương có điều kiện phù hợp.
Để hỗ trợ người dân, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, tưới tiêu... nhằm đảm bảo năng suất, hiệu quả kinh tế và an toàn thực phẩm.