![]() |
Quảng trường trung tâm khu Du lịch sinh thái, tâm linh Tây Yên Tử. Ảnh minh họa. |
Nội dung công văn yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các địa phương liên quan lập danh mục các điểm quy hoạch, thu hút đầu tư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng trailer, đoạn phim và lựa chọn tổ chức, đơn vị, cá nhân có uy tín, lượng truy cập, theo dõi lớn, sức ảnh hưởng rộng để phối hợp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” đến nhà đầu tư, Nhân dân trong và ngoài tỉnh đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiếp cận được đông đảo các đối tượng trong xã hội và phù hợp với tình hình thực tế.
Tiếp đó, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phục dựng “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”. Phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương rà soát, lắp đặt các biển chỉ dẫn đến các điểm chùa, điểm du lịch, đảm bảo chỉ dẫn rõ ràng, đầy đủ, dễ quan sát và thuận tiện cho du khách. Cùng đó, phối hợp với các địa phương hỗ trợ tiến hành khảo sát thực tế theo đề nghị của nhà đầu tư; xây dựng các tour, tuyến du lịch theo “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” để phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư và du khách.
Đối với Sở Tài chính, chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương liên quan đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút nhà đầu tư. Trên cơ sở danh mục các điểm quy hoạch, thu hút đầu tư do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, chủ trì xác định phương thức thu hút, lựa chọn nhà đầu tư và rà soát, tổng hợp các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với từng điểm.
Ngoài ra, các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương phục dựng, các cơ chế, chính sách liên quan và giá trị của các di tích lịch sử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”. Căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế, nghiên cứu sản xuất các phóng sự, chuyên đề, mở chuyên mục nhằm thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của Nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp về các di tích lịch sử của địa phương và chủ trương của tỉnh về phục dựng “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”.
Theo tài liệu sử sách, nếu sườn Đông Yên Tử là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì sườn Tây Yên Tử là dấu chân trên con đường hoằng dương Phật Pháp của người và các đệ tử.
Núi Yên Tử là dãy núi cao của vùng Đông Bắc nằm giáp ranh giữa hai tỉnh, phía Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh, phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Nơi đây được mệnh danh là nơi suối Phật, núi Tiên, với địa thế non cao, cảnh quan hùng vĩ, từ xa xưa khu vực sườn Tây núi Yên Tử đã được các vị vua thời Lý – Trần lựa chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, tham thiền học đạo, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua từng rũ bỏ vinh hoa phú quý, chuyên tâm tu hành và tạo dựng nên một dòng Thiền mang đậm bản sắc dân tộc Việt – chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử được ra đời nhằm tái hiện lại con đường hoằng dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm ở sườn Tây của dãy Yên Tử, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang trải dài từ các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động.