![]() |
Người nông dân tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết; tích cực thăm vườn và thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giúp cây vải ra hoa, đậu quả đồng đều góp phần tăng năng suất cho cây vải - Ảnh minh họa. |
Hiện nay, vải thiều sớm tại các huyện, thị xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang giai đoạn phát triển ra hoa, vải chính vụ giai đoạn nhú mầm hoa, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây vải. Để đảm bảo cây vải ra hoa tốt, giúp quá trình thụ phấn được thuận lợi và tăng khả năng đậu quả, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật. Cụ thể, điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng: cây vải yêu cầu sự thay đổi rõ rệt giữa nhiệt độ ngày và đêm để kích thích ra hoa. Chênh lệch nhiệt độ ngày, đêm từ 5-100C giúp cây vải ra hoa thuận lợi.
Tiếp đến, cung cấp đủ nước: trong giai đoạn chuẩn bị ra hoa, cây vải cần đủ nước nhưng tránh ngập úng. Cung cấp nước đều đặn nhưng không quá nhiều, đặc biệt trong mùa khô.
Bên cạnh đó, người dân cần bón phân cân đối, hợp lý, sử dụng phân bón NPK đúng thời điểm để cây có đủ dinh dưỡng ra hoa tốt. Tránh bón phân đạm quá nhiều trong thời kỳ ra hoa, vì đạm thúc đẩy quá trình ra lộc, phát triển thân lá mạnh, làm hạn chế quá trình ra hoa.
Ngoài ra, đối với diện tích vải sớm đã ra hoa và đang nở hoa: Tăng cường tưới nước, giữ ẩm cho cây để nở hoa, thụ phấn, thụ tinh và đậu quả tốt. Phun các loại thuốc trừ nấm để đề phòng bệnh thán thư làm hỏng dé hoa, thối chùm hoa; các loại thuốc trừ sâu để trừ các loại sâu đục quả, sâu hại hoa, nhện lông nhung ... Sau khi kết thúc nở hoa, đã đậu quả bằng hạt đậu xanh tiến hành bón thúc nuôi quả bằng cách hòa nước tưới (loại phân, số lượng theo qui trình hướng dẫn), có thể phun thêm các loại phân bón qua lá như: Botrac, Thiên nông, Master gro, HPC 97 ... để tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non.
Đối với những cây đã phân hóa mầm hoa (vải chính vụ): Hạn chế độ ẩm của đất, phun bổ sung một số chế phẩm phân bón qua lá có hàm lượng đạm thấp, lân và kali cao có chứa các chất kích thích ra và nở hoa (HPC 97, Kali tan, Multi-K...). Những cây đã thấy rõ chùm hoa cần tưới nước đủ ẩm, bón, tưới, phun thêm các nguyên tố đa vi lượng giúp các chùm hoa dài hơn, to hơn, nhanh chóng nở hoa, thụ phấn, thụ tinh và đậu quả. Những cây vừa ra hoa, vừa ra lộc thì kết hợp chăm sóc, cắt bỏ lộc non nhằm giúp cây tập trung dinh dưỡng cho việc ra hoa, đậu quả.
Cùng với đó, kết hợp tỉa cành và tạo tán hợp lý, tỉa bớt cành nhỏ, tán rậm rạp để giúp cây vải thông thoáng, dễ nhận ánh sáng và dinh dưỡng. Điều này giúp kích thích cây ra hoa đồng đều hơn. Đồng thời, kiểm soát sâu bệnh, cây vải dễ bị các loại sâu bệnh phá hoại trong giai đoạn ra hoa. Đảm bảo chăm sóc cây thường xuyên, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đúng liều lượng và thời gian để tránh ảnh hưởng đến quá trình ra hoa.
Năm 2025, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang khoảng 29.700 ha, trong đó, vải chính vụ 21.700 ha, còn lại là vải sớm. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thuận lợi, với tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt cao, vải thiều năm nay sẽ được mùa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tham mưu với chính quyền tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người dân tăng cường theo dõi, phòng trừ sâu bệnh gây hại, áp dụng kỹ thuật cao chăm sóc cây trồng. Cùng đó, các địa phương thường xuyên rà soát, mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...để tập trung hỗ trợ sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn, chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.