![]() |
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV cùng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện thanh Hà chỉ đạo nông dân chăm sóc phòng trừ sinh vật gây hại trên các trà vải. |
Theo kết quả điều tra về tình hình sâu bệnh hại trên đồng ruộng cho thấy: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa và đẻ trứng trên các trà lúa, dự kiến sâu non cuốn lá nhỏ lứa này sẽ tập trung nở và gây hại vào những ngày đầu tháng 5, phạm vi gây hại rộng; bệnh đạo ôn đã xuất hiện gây hại cục bộ ở khu vực Thanh Miện, Thanh Hà, Bình Giang, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Kim Thành... bệnh có xu hướng chuyển sang gây hại trên cổ bông khi lúa trỗ; sâu đục quả và bệnh thán thư đã xuất hiện và gây hại trên vải từ nửa đầu tháng 4 và có xu hướng gây hại mạnh vào tháng 5; bọ phấn, bọ trĩ, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư, bệnh nứt thân xì mủ tiếp tục có xu hướng gây hại mạnh trên nhóm cây dưa,...
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đồng thời hạn chế tình trạng nông dân phun thuốc tràn lan, không đúng thời điểm, không đúng diện tích, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có công văn số 151/TTBVTV-NV ngày 26/4/2025, qua đó đề nghị Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác điều tra, theo dõi và hướng dẫn nông dân thực hiện những nội dung sau:
1. Đối với lúa:
Kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện sâu non của sâu cuốn lá nhỏ nở, mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên thì tiến hành phun trừ ngay bằng một trong những loại thuốc trừ sâu có chứa hoạt chất Isocycloseram, Chlorfenapyr, Indoxacarb, Emamectin benzoate,.... Khuyến cáo nông dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phun thuốc đúng thời điểm sâu non mới nở (chú ý theo dõi thời điểm từ ngày mùng 01 đến 07/5/2025); đối với những diện tích có mật độ sâu cao, sâu nở không tập trung cần phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 4-5 ngày.
Khi lúa thấp tho trỗ (trỗ 5-10%) tiến hành phun phòng bệnh đạo cổ bông cho những diện tích cấy giống nhiễm đạo ôn (như: TBR225, BC15, Bắc thơm số 7, Nếp, Q5,...), nhất là ở những khu vực có áp lực bệnh (như: Thanh Hà, Bình Giang, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, Kim Thành).
![]() |
Cán bộ kỹ thuật tăng cường điều tra tình hình gây hại của sâu cuốn lá nhỏ. |
Lưu ý lựa chọn những loại thuốc có chứa hoạt chất Fenoxanil, Tricyclazole, hoặc hỗn hợp Fenoxanil với Kasugamycin,…để khuyến cáo nông dân sử dụng. Từ thời điểm này đến cuối vụ không khuyến cáo nông dân sử dụng loại thuốc có chứa hoạt chất Isoprothiolane ở dạng nhũ dầu (EC) để trừ đạo ôn cổ bông vì những loại thuốc này dễ gây hỏng đòng, đỏ lá lúa nếu khi phun gặp thời tiết nắng nóng.
Tiếp tục tăng cường theo dõi đối với sâu đục thân hai chấm và rầy nâu. Lưu ý tập trung cao ở những khu vực thuộc huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, và thành phố Chí Linh vì đây là những nơi rầy nâu thường phát sinh gây hại cao vào cuối vụ.
2. Đối với cây vải, nhãn:
Đối với cây vải: Tập trung phòng trừ sâu đục quả và bệnh thán thư cho cả trà vải sớm và vải chính vụ vào đầu tháng 5 (khoảng thời gian từ 01 đến 07/5), tiếp tục theo dõi và phun trừ đợt hai cho trà vải chính vụ vào giữa và cuối tháng 5 (khoảng thời gian từ 18-25/5). Lưu ý hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại vải theo đúng Hướng dẫn số 66/HD-TTBVTV ngày 17/2/2025 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về Phòng trừ sinh vật gây hại (sâu, bệnh) cho cây vải, nhãn; đảm bảo chỉ thu hoạch vải khi đã thực hiện cách ly đủ thời gian sau khi phun thuốc lần cuối (tối thiểu 20 ngày).
Đối với cây nhãn: Tập trung phòng trừ bọ xít và rệp sáp.
3. Đối với nhóm cây dưa (dưa hấu, dưa lê): Thường xuyên theo dõi và phòng trừ bọ phấn, bọ trĩ, bệnh thán thư, bệnh nứt thân xì mủ,...