Longform

[Longform] Ruộng đồng An Thanh “thắp lửa” cho nông nghiệp tử tế

Ruộng đồng An Thanh “thắp lửa” cho nông nghiệp tử tế

Từ những thửa ruộng hữu cơ ở An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương, một nền nông nghiệp tử tế đang được lan tỏa, không chỉ bằng “gạo sạch, rươi lành”, mà bằng cả tình người, lối sống xanh và nhân văn.

Hồi sinh từ vùng đất từng bạc màu

Ba lần chúng tôi đến với An Thanh - mỗi lần là một tầng sâu mới của khám phá, của thấu hiểu về hành trình chuyển mình của một nền nông nghiệp thấm đẫm triết lý tử tế. Từ lần đầu làm quen mô hình lúa - rươi - cáy, chuối già Nam Mỹ hữu cơ, bồ câu thảo dược; đến Lễ hội lúa - rươi hữu cơ năm 2024; và lần này, là buổi sáng thong dong giữa 137 ha cánh đồng xanh mướt đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam - nơi hiện hữu một cách sinh động câu chuyện vị nhân sinh giữa đồng bằng Bắc bộ.

An Thanh từng là vùng đất mặn mòi phù sa, nơi rươi - cáy sinh sôi, mùa màng đầy ắp. Nhưng rồi, theo dòng thời gian và luồng chảy hóa học trong canh tác, con rươi, con cáy dần vắng bóng. Phun thuốc, dùng phân vô cơ, đất bạc màu, sâu bệnh, năng suất thấp, cuộc sống nông dân chật vật.

Bước ngoặt đến vào năm 2013 khi Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh (HTX An Thanh) mạnh dạn dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và quan trọng nhất là lựa chọn con đường canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường.

Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX An Thanh phấn khởi giới thiệu với chúng tôi từng hộ nuôi rươi, kể về thành tích sản xuất nông nghiệp cùng quá trình vượt lên khó khăn của bà con nông dân thôn An Định. Dáng người khỏe khoắn, khuôn mặt tươi tắn, nước da ngăm đen, từng cử chỉ, lời nói của ông toát lên sự tự tin và phấn khởi: “Không ngờ khi chuyển sang hữu cơ, con rươi, con cáy quay trở lại nhanh như vậy”.

Ruộng đồng An Thanh “thắp lửa” cho nông nghiệp tử tế
Những nông dân như ông Luận, bà Thắm, bà Giang đang từng ngày thay đổi tư duy, kiên trì với mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ đất và môi trường.

Trong buổi thăm đồng, bà Phạm Thị Giang - xã viên HTX An Thanh dẫn chúng tôi len qua những thửa lúa đang vững vàng vươn mình. Dưới ánh nắng dịu nhẹ, bà dừng lại, chỉ tay về phía những khóm hoa vàng rực ven bờ ruộng: “Hoa này không chỉ để làm đẹp đâu các cô chú ạ, mà còn để dẫn dụ các loài côn trùng có hại, người ta gọi vui là ‘khắc tinh’ của chuột đấy. Cánh đồng vừa có sắc, vừa có sinh khí, thiên nhiên tự cân bằng với nhau, mình làm nông cũng thấy an lòng hơn nhiều”.

Từng là người trồng chuối trên đất bạc màu, sâu bệnh, phải phá bỏ, bà Giang kể: “Chuyển sang làm lúa hữu cơ, vừa nhàn vừa an tâm. Ai cũng hiểu phải sạch mới nuôi được rươi, nên chẳng ai dùng hóa chất”.

Một nông dân khác, bà Phạm Thị Thắm nhớ lại: “Trước dùng thuốc trừ sâu, ảnh hưởng sức khỏe lắm. Từ năm 2013 làm lúa - rươi - cáy hữu cơ thấy nhàn mà khỏe, không dính gì độc hại. Lúa đến mùa là có người thu mua tận nơi, không phải phơi, không lo đầu ra”.

Hơn một thập kỷ qua, HTX An Thanh đã xây dựng một mô hình không chỉ là sản xuất - mà là lối sống, là đạo đức nghề nông. 109 thành viên, hơn 500 ha canh tác, trong đó có 137 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Thu nhập trung bình 400 - 450 triệu đồng/ha/năm - một con số đáng kinh ngạc với một HTX ở nông thôn.

Ruộng đồng An Thanh “thắp lửa” cho nông nghiệp tử tế

Khi ruộng đồng được mở lối và con người mở lòng

Nằm ven sông Thái Bình, cùng lũy tre, hệ thống đê cổ… An Thanh sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nhưng điều kỳ diệu nhất không nằm ở thiên nhiên, mà ở con người. Ở cách họ thay đổi tư duy, ứng xử lại với đất.

Ban đầu, người dân còn quen giống lúa bản địa hay còn gọi là lúa hom, lúa dé, cây cao tới 1,5m, nhưng chất lượng gạo thấp, dễ nhiễm rầy nâu. Sau đó, HTX An Thanh vận động chuyển sang giống mới như JO1, JO2, rồi ST25 - chất lượng cao, cấy thưa, ít sâu bệnh, được thị trường ưa chuộng.

“Quan trọng nhất là sản xuất theo tín hiệu thị trường. Doanh nghiệp cần gì, bà con sản xuất cái đó”, ông Luận nhấn mạnh.

Dù vậy, chặng đường phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa bao giờ bằng phẳng. Khó khăn lớn nhất theo ông Luận “vẫn là câu chuyện môi trường của cả hệ thống sông Thái Bình, môi trường phải được quan tâm, mới bảo tồn được con rươi, con cáy. Con sông mà ô nhiễm thì không làm gì được”.

Kể về con cáy, con rươi và cách làm nông nghiệp hữu cơ, ông Luận say mê một cách kỳ lạ: “Thiên nhiên chẳng phụ con người, đối với con rươi, yếu tố môi trường là rất quan trọng. Nếu trồng lúa bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu, ruộng sẽ mất rươi. Vùng chiêm trũng An Thanh giờ đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ổn định nhờ khai thác tốt tiềm năng của địa phương, nuôi con đặc sản rươi - cáy, kết hợp với lúa hữu cơ một vụ. Mỗi vụ, một sào bà con có thể thu hoạch được bình quân 50 kg rươi”.

Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức của người nông dân cũng khó khăn, phải vận động họ sản xuất giống lúa mới, tham gia liên kết chuỗi, đặc biệt phải đảm bảo tính liên kết trong chuỗi đó, “vì tư duy sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, ngắn hạn. Lúc rươi được giá, người dân bán ra ngoài. Lúc rớt giá thì quay lại gọi HTX. Muốn làm hữu cơ phải có tính liên kết, gắn bó lâu dài”, ông Luận bùi ngùi tâm sự.

Ruộng đồng An Thanh “thắp lửa” cho nông nghiệp tử tế
Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh say sưa nói về cây lúa và sự trở lại nhanh chóng của con rươi khi bà con chuyển sang canh tác hữu cơ.

Ngoài ra, vấn đề cải tạo công trình thủy lợi cũng là thách thức. Trước đây, nông dân chỉ khai thác rươi, cáy tự nhiên ngoài bãi sông, còn ở trong đồng vẫn cấy lúa hai vụ. Vốn là nơi giao tranh giữa nguồn nước mặn và ngọt, nhiều thời điểm xảy ra xâm nhập mặn nên hiệu quả từ cấy lúa không cao.

Chỉ cách một bờ đê mà tạo ra bức tranh tương phản, phía ngoài là nguồn thu lớn từ rươi, cáy và lúa hữu cơ, còn bên trong đồng vẫn gieo cấy bấp bênh. Vì thế nhiều năm qua, nông dân An Thanh luôn trăn trở tìm cách để đưa con rươi vào đồng. Ước mong bấy lâu cũng thành hiện thực khi cuối năm 2020, cống Sồi được xây dựng, dẫn nước lợ vào trong đồng, đem theo cả con rươi, con cáy.

“Ngày đầu tiên cống Sồi mới đưa nước vào đồng chính là khởi đầu cho những ước mong, khát vọng xây dựng nền nông nghiệp xanh của địa phương dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Luận nói.

Từ những “đốm lửa” đến khát vọng nông nghiệp xanh Việt Nam

Ruộng đồng An Thanh “thắp lửa” cho nông nghiệp tử tế
Tại vùng sản xuất hữu cơ An Thanh, dưới ruộng là rươi, bên trên là lúa, bờ ruộng là cáy và trên bờ là hoa.

Hiện nay, ngoài 137 ha diện tích lúa - rươi - cáy đã đạt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, nhờ sự xây dựng của cống Sồi, HTX An Thanh đang tiếp tục chuyển đổi 214 ha ruộng lúa sang canh tác hữu cơ. Đây là vùng mới được triển khai từ năm 2021, từng bước mở rộng không gian sản xuất sạch, nhằm tiến tới một hệ sinh thái đồng bộ, bền vững hơn cho cả vùng.

Nhưng câu chuyện rươi An Thanh không dừng lại ở con số. Đó là sản phẩm mang hồn quê, là minh chứng của quá trình tử tế với đất, với môi trường và với người. Cũng chính vì điều đó, Lễ hội lúa - rươi hữu cơ năm 2024 đã ghi dấu bằng những phát biểu sâu sắc của nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nay là Phó Chủ tịch Quốc hội.

“Cần coi nông nghiệp hữu cơ là một cuộc cách mạng trong tâm thức và hành động của chúng ta đối với thiên nhiên, sức khỏe con người, môi trường, sự đa dạng sinh học và các thế hệ mai sau”, ông phát biểu đầy tâm huyết.

Không chỉ là lời kêu gọi, ông còn thổi hồn vào sản phẩm: “Bán hạt gạo không bao giờ giàu được, nhưng bán sự tử tế thì có thể giàu”. Chúng ta cần kể câu chuyện của rươi, cáy - thổi cảm xúc vào từng sản phẩm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, An Thanh không chỉ là câu chuyện của Tứ Kỳ, của Hải Dương, mà có thể là hình mẫu của cả Việt Nam: “Truyền thông ra thế giới rằng người Việt Nam đang làm nông nghiệp tử tế. An Thanh là đốm lửa để thổi bùng cả đồng bằng Bắc bộ”.

Muốn làm điều đó, HTX cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp, người dân - để giữ thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng. Cống Sồi - một hạng mục thủy lợi do nhà nước đầu tư - chính là biểu tượng cho sự đồng hành đó. “Nếu không có cống Sồi, cánh đồng này đã bỏ hoang từ lâu”, ông Luận nói.

Giữa guồng quay của số hóa, đô thị hóa và sự rời xa ruộng đồng, An Thanh là lời đáp: Nông thôn không chỉ là nơi sinh sống, mà là nơi khởi nguồn của sự sống. Từ những cánh đồng hữu cơ, không chỉ “gạo sạch, rươi lành”, mà còn có tình người, có tâm thức sống chậm, sống sâu và sống xanh.

Ruộng đồng An Thanh “thắp lửa” cho nông nghiệp tử tế
Trung bình mỗi vụ, một sào ruộng cho sản lượng khoảng 50 kg rươi.

Đối với nông dân xã An Thanh, giờ đây sản xuất hữu cơ là yếu tố sống còn đem đến cuộc sống khấm khá, sung túc. Vì thế ai cũng mong muốn duy trì và phát huy những giá trị từ mô hình này, không những vì hiệu quả kinh tế mà còn là trách nhiệm với môi trường sống.

Nông nghiệp hữu cơ ở An Thanh không phải điều gì cao siêu. Nó khởi đi từ những điều giản dị nhất: Không hóa chất, không đầu độc đất - nước - người; gắn kết cộng đồng; bảo vệ sinh kế bền vững. Nhưng chính sự giản dị ấy, được nâng niu qua từng ngày, từng vụ mùa, lại trở thành nền tảng cho một triết lý “làm nông nghiệp bằng lương tâm và khát vọng”. Nếu mỗi địa phương là một “đốm lửa”, thì chính những HTX như An Thanh sẽ góp phần thắp sáng đốm lửa ấy để thổi bùng lên một nền nông nghiệp tử tế Việt Nam - một nền nông nghiệp biết nâng niu đất, gìn giữ nước, yêu thương người và trao lại cho thế hệ sau một tương lai trong lành.

Nội dung và ảnh: Hồng Thắm - Duy Học

Đồ họa: Hà Vinh