Vải thiều là loại cây trồng chủ lực phát triển theo hướng sản xuất với quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như: VietGAP, GlobalGAP. Ảnh minh họa. |
Theo đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 595.520 tấn. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/ha; tổng sản lượng thủy sản đạt 58 nghìn tấn. Phấn đấu trồng 10 nghìn ha rừng tập trung; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 1,0 triệu m³; tỷ lệ che phủ rừng 37,5%. Toàn tỉnh có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Tân Yên đạt chuẩn NTM nâng cao.
Với mục tiêu tăng trưởng nêu trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, giảm phát thải, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi số; tăng cường thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản. Duy trì ổn định lĩnh vực trồng trọt, tập trung đẩy mạnh dư địa phát triển lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, trong đó lĩnh vực chăn nuôi là động lực tăng trưởng chính.
Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và thông tin mở rộng thị trường đối với các sản phẩm chủ lực. Tiếp đến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. Mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng, rau an toàn, sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi để phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và dự báo, phòng trừ sâu bệnh. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón.
Đồng thời, kêu gọi và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu thu hút được tập đoàn lớn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, mẫu mã, tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ Vải thiều, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tích tụ đất đai hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo thuận lợi ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt phù hợp với nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đầu tư hạ tầng đường giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn cung ứng nước tưới tạo điều kiện để tăng vụ sản xuất, thuận lợi áp dụng cơ giới hóa để sản xuất quy mô tập trung.
Ngoài ra, Bắc Giang tiếp tục xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững gắn với quá trình đô thị hóa và quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính; ưu tiên nguồn lực thực hiện thôn NTM ở các xã đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các xã đã đạt chuẩn./.