Dự kiến sau khi quá trình đàm phán hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 2025 - Ảnh minh họa. |
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Chúng ta mất trung bình từ 3-5 năm để đàm phán mở cửa thị trường cho một sản phẩm. Với sản phẩm yêu cầu kỹ thuật thì thời gian đòi hỏi kéo dài hơn, ví dụ như sầu riêng, để có thể tăng trưởng ấn tượng như hôm nay thì thời gian đàm phán mở thị trường mất rất nhiều thời gian. Từ những năm 2016, 2017 chúng ta đã xây dựng hồ sơ kỹ thuật và qua rất nhiều bước, nhiều khâu đàm phán mới có được kết quả như ngày nay".
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2024 giảm 11,9% so với tháng 10/2024, nhưng vẫn tăng 23,0% so với tháng 11/2023, đạt xấp xỉ 458 triệu USD.
Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt gần 6,62 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được trong 11 tháng năm 2024, dự kiến cả năm kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt khoảng 7,2 tỷ USD, nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây.
Tháng 11/2024 so với tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang một số thị trường truyền thống và tiềm năng giảm, gồm: Trung Quốc, thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan. Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang các thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nga tăng.
So với tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ thị trường Đài Loan và Hà Lan. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, ngoại trừ Hà Lan.
Như vậy, trong 11 tháng năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam nỗ lực khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…
Trong những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng. Các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến đều phải được tuân thủ chặt chẽ. Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Ông Trần Văn Chiến, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I. |
Tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc” tại Hòa Bình, ngày 6/12/2024, Ông Trần Văn Chiến, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV) thông tin, có 6 thị trường chính đã mở cửa được thị trường cho cây ăn quả, nhiều nhất là Trung Quốc, kế đó là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Quy định chung về kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm ở thị trường xuất khẩu gồm: Phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu; Không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm; Đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu; Đóng gói, dán nhãn đáp ứng yêu cầu của các thị trường; Kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cảng đến.
Ngoài ra, mỗi thị trường lại có yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, Hoa Kỳ cấm các loại sinh vật gây hại trên bưởi như ruồi đục quả, sâu đục quả, một số loại nấm. Trong khi đó, New Zealand lại cấm thêm rầy chổng cánh, rệp sáp, bọ trĩ, nhện đỏ...
Hàn Quốc, cũng là thị trường đã mở cửa được thị trường với quả bưởi, lại yêu cầu cơ sở xử lý hơi nước nóng phải đặt trong cơ sở đóng gói và được Cục BVTV phê duyệt. Việc xử lý phải được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam.
Với thị trường EU, nơi có yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới, lại không cần đánh giá nguy cơ dịch hại và không cần có phê duyệt chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của phía EU trước khi xuất khẩu sang EU.
Nhưng EU yêu cầu cây có múi phải được xử lý bằng dung dịch Calcium Hypochlorid hoặc Sodium hypochlorid (nồng độ 200ppm, thời gian tối thiểu 2 phút) tại các cơ sở xử lý được phép hành nghề do Cục BVTV cấp.
Nói thêm về thị trường xuất khẩu trọng điểm Trung Quốc, ông Chiến thông tin, chỉ được xuất khẩu qua một số cửa khẩu được chỉ định. Cùng với đó, bao bì đóng gói phải sạch sẽ, chưa qua sử dụng. Mỗi hộp đóng gói và phải được dán bằng chữ tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh theo quy định.
Tin vui cho những người sản xuất, là dự kiến trong năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, ổi, chanh và mít đã được Cục BVTV gửi hồ sơ mở cửa thị trường cho phía bạn. Ngoài ra, quả vải cũng đang hoàn tất hồ sơ để sang Hàn Quốc.
Ống hút rau củ: Giải pháp xanh cho nông sản Việt, tiềm năng xuất khẩu bứt phá Ống hút làm từ rau củ, một giải pháp xanh cho môi trường đang được ưa chuộng, không chỉ góp phần giảm thiểu hàng nghìn ... |
Gạo Việt Nam trên đà "phá kỷ lục" xuất khẩu năm 2024 Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới trên 9 triệu tấn, giá trị tăng mạnh nhờ tập trung ... |
Xuất khẩu xanh: Con đường tất yếu cho doanh nghiệp Việt Xuất khẩu xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên ... |