Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, thưởng thức trà đạo Nhật Bản. Ảnh: Cáp Kim |
Chất riêng giữa “trà đạo Nhật Bản” và “trà thức Việt Nam”
Chương trình “Giao lưu trà đạo Nhật Bản - Trà thức Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản vừa được tổ chức bởi Trung tâm Phát triển Hợp tác quốc tế và Dịch vụ đối ngoại (CIFA) phối hợp với Sở Văn hóa và Du lịch (thành phố Sakai, Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Sandals - Thương hiệu Trà Đôi dép đã thu hút đông đảo du khách, người yêu thích về trà đến tham dự.
Trà đạo, thưởng trà là một nét đẹp văn hóa lâu đời của các nước Á Đông. Hương vị đặc biệt trong từng chén trà được tạo nên bởi nguyên tắc pha trà của mỗi Đất nước. Chương trình “Giao lưu giữa trà đạo Nhật Bản - trà thức Việt Nam” lần này được thực hiện bởi nghệ nhân Mr. Maeda Kazunari và nghệ nhân Phạm Công Tuấn Hạ, thị phạm bởi Trà Nương, thuộc Công ty Sandals - Thương hiệu Trà đôi dép.
Trà thức Việt Nam thể hiện sự mộc mạc, giản dị nhưng vẫn tạo nên vẻ đẹp tinh tế trong văn hóa uống trà của người dân, đồng thời đề cao sự gắn kết cộng đồng, thưởng thức trà là địp để mọi người cùng nhau chia sẻ. Trong khi, trà đạo Nhật Bản lại là nơi thể hiện sự thanh lọc tâm hồn, kết nối giữa thiên nhiên với con người, giữa người uống trà và người pha trà, tạo nên mối quan hệ gần gũi với nhau. Nghệ thuật Trà đạo Nhật Bản từ lâu đã trở thành một nét đặc sắc làm nên thương hiệu của Xứ sở Phù Tang. Mỗi tách trà được pha chế và thưởng thức như một nghi thức nghệ thuật, thể hiện sự tôn trọng và trân quý những khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống.
Các nghệ nhân thể hiện cách pha trà của mỗi nước tại buổi giao lưu và gửi người yêu trà cùng thưởng thức sự khác biệt từ trà của 2 Đất nước. Ảnh: Trà đạo Nhật Bản - Cáp Kim |
Các nghệ nhân thể hiện cách pha trà của mỗi nước tại buổi giao lưu và gửi người yêu trà cùng thưởng thức sự khác biệt từ trà của 2 Đất nước. Ảnh: Trà thức Việt Nam - Cáp Kim |
Có mặt tại buổi giao lưu, cô T.Tâm – Phụ trách Câu lạc bộ Trà của Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chia sẻ: “Trà Nhật và Việt cũng là một dòng trà, từ cây trà mà ra nó cũng đều như nhau cả. Thực ra nó chỉ khác biệt ở cái vùng miền, đất nước, qua phong tục, văn hóa của mỗi nước thì trà lại mang một sắc thái riêng, 2 dòng trà này khi thưởng thức nó có những vị đặc trưng rất riêng biệt”.
Du khách và quý đại biểu được trải nghiệm về văn hóa trà đạo của Nhật Bản lẫn Việt Nam, từ thưởng thức trà đến công đoạn pha trà. Võ Thị Thương Hoài (SN 2000), khách tham dự giao lưu cho biết: “Sau khi thưởng thức trà bên Nhật Bản và Việt Nam, mỗi bên đều có một sự thú vị riêng. Trà đạo Nhật Bản trước khi thưởng thức sẽ cho dùng 2 viên kẹo trước rồi mới uống trà, theo như em đã từng thử thì Matcha khá là đắng nhưng khi thưởng thức trà của Nhật Bản lại cảm thấy rất ngọt, có thể đó là dụng ý của Nhật Bản khiến trà khi uống sẽ cảm thấy ngon hơn. Về trà Việt Nam lại khác hẳn, trà được pha qua những công đoạn rất công phu và cầu kỳ, khi thưởng thức trà chúng ta sẽ cảm nhận được vị chát của trà đầu tiên rồi sau đó mới để lại hậu vị ngọt thanh của trà”.
Buổi giao lưu cũng là dịp để người yêu trà có thêm cơ hội trải nghiệm tinh hoa nghệ thuật trà đạo Nhật Bản cũng như trà thức Việt Nam, vừa giúp hiểu biết thêm về trà đạo Nhật Bản mà còn quảng bá nền văn hóa trà thức Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, duy trì, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 thành phố nói riêng và 2 đất nước nói chung.
Gắn kết mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản
Lễ hội giao lưu Việt Nam – Nhật Bản là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng của thành phố. Bên cạnh việc giới thiệu những nét độc đáo giữa trà Nhật Bản và Việt Nam, thành phố còn mong muốn tăng cường thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Đà Nẵng - Nhật Bản, qua đó làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc, tiếp nối thành công rực rỡ của những lần tổ chức trước đó.
Chị Ngô Việt Hoài Thương - Đại diện Trung tâm Phát triển Hợp tác quan hệ quốc tế và Dịch vụ Đối ngoại chia sẻ: “Lễ hội giao lưu trà đạo giữa Nhật Bản và Việt Nam hôm nay có ý nghĩa gắn kết 2 nước lại với nhau. Các bạn Nhật Bản có nét nghệ thuật văn hóa trà đạo từ lâu đời, khoảng 400 năm trước tại thành phố Sakai, Nhật Bản rất là phát triển. Trong nhiều năm trước Sở Ngoại vụ cũng đã phối hợp với thành phố Sakai để quảng bá nét độc đáo của trà đạo Sakai đến với người dân Đà Nẵng. Nhân dịp Lễ hội, thành phố cũng muốn giới thiệu những nét đẹp của người Việt, văn hóa của người Việt, sự hoạt động có sự đối ẩm giữa trà thức Việt Nam và trà đạo Nhật Bản, có ý nghĩa gắn kết giữa mỗi bên, giữ mối quan hệ hữu nghị, làm cho đất nước Nhật Bản hiểu hơn về nền văn hóa trà thức Việt nam”.
“Tôi sẽ nỗ lực hết sức trong nhiệm kỳ của mình để nâng tầm hơn nữa mối quan hệ này, để nhân dân hai nước ngày càng hiểu thêm về nhau, cùng nhau xây dựng mối quan hệ bạn bè hữu nghị, gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong thời gian tới”, ông Mori Takero - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng khẳng định.
Á hậu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 Hoàng Nhung tại buổi giao lưu thưởng trà. Ảnh: Cáp Kim |
Á hậu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 Hoàng Nhung chia sẻ: “Nhung cảm thấy rất tuyệt vời khi 2 đất nước đã có những chương trình tạo ra mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng như giao lưu 2 dòng trà để hiểu hơn về cái hương, cái sắc cũng như cái vị đặc trưng riêng của mỗi đất nước”.
Nhìn chung cả Nhật Bản lẫn Việt Nam đều có “thiện chí” khi giao lưu nền văn hóa với nhau và cả 2 đều muốn hợp tác lâu dài, giữ mối quan hệ hữu nghị trong các hoạt động sắp tới.
Buổi giao lưu không chỉ có giá trị về nền văn hóa mà còn nâng tầm quan trọng trong việc hợp tác phát triển giữa 2 nước. Có thể hiểu, tiền thân là Lễ hội Giao lưu Văn hóa Việt - Nhật nhằm mục đích thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, giữa Đà Nẵng với các đối tác Nhật Bản nói riêng. Lễ hội đã để lại ấn tượng đẹp đối với người dân thành phố và du khách, tạo được tiếng vang lớn với các đối tác Việt Nam và Nhật Bản.
Tại lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết: Hiện tại, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản. Đây là sự kiện thường niên kể từ năm 2014, đến nay lễ hội Việt Nam - Nhật Bản tại Đà Nẵng đã trải qua 9 mùa tổ chức, tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người dân Đà Nẵng và du khách cũng như tạo được tiếng vang lớn với các đối tác Việt Nam và Nhật Bản.