Xâm nhặp mặn đã xuất hiện tại TP. Mỹ Tho với độ mặn đo được là 0,64g/l - Ảnh minh họa. |
Tình hình xâm nhập mặn tại Tiền Giang đang diễn biến phức tạp, gây lo ngại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vụ lúa Đông Xuân. Xâm nhặp mặn đã xuất hiện tại TP. Mỹ Tho với độ mặn đo được là 0,64g/l. Trước đó, mặn cũng đã xuất hiện tại cống Xuân Hòa với độ mặn 0,43g/l, cao hơn so với các năm trước và sớm hơn gần 25 ngày so với mùa khô năm ngoái.
Diễn biến này đe dọa đến gần 1.700 ha lúa Đông Xuân vừa được xuống giống tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công. Nếu tình hình xâm nhập mặn tiếp tục phức tạp trong tháng 2 và tháng 3/2025, việc lấy nước ngọt bổ sung cho vùng này sẽ gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần, thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước Biển Hồ cũng thấp hơn so với cùng kỳ, góp phần làm gia tăng xâm nhập mặn. Ngoài ra, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh cũng là nguyên nhân khiến mặn xâm nhập nhanh và bất thường.
Dự báo, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương mùa khô 2023-2024, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Trong những ngày tới, xâm nhập mặn có thể giảm do triều xuống, nhưng sẽ tăng trở lại vào cuối tháng 1/2025. Ranh mặn 4g/l dự báo sẽ lấn sâu vào nội đồng, đe dọa diện tích lúa và cây ăn trái.
Trước tình hình trên, Tiền Giang cần chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Cần theo dõi sát sao diễn biến xâm nhập mặn, thông tin kịp thời đến người dân, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng kế hoạch dự trữ nước ngọt, bảo đảm cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Xâm nhập mặn là một trong những thách thức lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang. Việc chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp căn cơ, lâu dài để bảo đảm phát triển bền vững cho vùng đất này.