Tại phiên họp lần thứ 3 Tổ công tác về Hợp tác Nông nghiệp giữa Việt Nam và Ba Lan đã diễn ra tại Hà Nội, ngày 27/11/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Việt Nam – Ba Lan đang chuẩn bị kế hoạch hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025. Trên nền tảng quan hệ hợp tác bền vững về nhiều lĩnh vực trong suốt chặng đường hơn 70 năm qua, sự hợp tác của ngành nông nghiệp và PTNT giữa hai Bộ cũng không ngừng phát triển. Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan và các mặt hàng nông sản và thực phẩm của Ba Lan xuất khẩu vào Việt Nam vẫn tăng trưởng đều. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,5 tỷ USD trong đó xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản giữa hai nước đạt được hơn 180 triệu USD chiếm tỷ trọng khoảng 20%. Con số này phản ánh việc còn nhiều dư địa để hai nước tiếp tục thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản.
Với tiềm năng ngành nông nghiệp phát triển của hai nước, trong thương mại nông lâm thủy sản, các sản phẩm của hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau và bổ sung cho nhau. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định Việt Nam rất cần sự chung tay của các cơ quan kiểm dịch động thực vật cùng các doanh nghiệp Ba Lan trong việc thúc đẩy tăng cường xuất nhập khẩu hàng nông lâm và thủy sản, thực phẩm giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại phiên họp. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, kể từ Phiên họp lần thứ Hai Tổ công tác Việt Nam – Ba Lan về hợp tác nông nghiệp đã được tổ chức tại Thủ đô Vác-xa-va vào tháng 6 năm 2023 đến nay, các cơ quan chuyên môn hai bên đã làm việc rất tích cực và đạt được một số kết quả cụ thể. Bộ NN&PTNT Việt Nam đã cấp phép cho các doanh nghiệp của Ba Lan xuất khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, sản phẩm thủy sản làm thực phẩm và bột đạm từ lợn và gia cầm làm thức ăn chăn nuôi vào Việt Nam. Hiện nay, Ba Lan có 155 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt vào Việt Nam và 25 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào Việt Nam.
Hiện tại, có 505 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào EU (trong đó có Cộng hòa Ba Lan). Các doanh nghiệp Ba Lan đã đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc động vật thủy sản vào Việt Nam. Các sản phẩm được phép nhập khẩu bao gồm: cá hồi đông lạnh và xông khói, sản phẩm cá hồi và cá hộp tiệt trùng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định: Trên cơ sở cơ chế họp Tổ Công tác này, hai Bộ thường xuyên cập nhật được tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả và hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hai nước trong quá trình thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản giữa hai bên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ba Lan Ông Jacek Czerniak. |
Ông Jacek Czerniak, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Ba Lan, nhận định một trong những lĩnh vực ưu tiên của Ba Lan là phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn lương thực, tập trung định hướng chiến lược vào triển khai các trang thiết bị và công nghệ số hiện đại, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường và giảm phát thải.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt 175,5 triệu euro vào năm 2023, tăng 14% so với mức 154 triệu euro so với năm trước đó. Nhập khẩu nông sản từ Việt Nam vào Ba Lan năm 2023 đạt giá trị gần 299 triệu euro.
Hai bên đặt mục tiêu đảm bảo tăng trưởng thương mại cân bằng, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn mở rộng sang các sản phẩm khác để nâng cao kim ngạch thương mại.
Tại Phiên họp lần thứ ba của Tổ công tác Việt Nam - Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Ba Lan Jacek Czerniak. Hai bên đã tổng kết những kết quả trong hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Ba Lan, trao đổi về tiềm năng phát triển thương mại nông sản - thực phẩm giữa hai nước, và cùng thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác. |