Cây quế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - Ảnh minh họa. |
Hơn 20 năm sau khi những cây quế đầu tiên bén rễ trên vùng đất Định Hóa, cây quế đang dần khẳng định vị thế, trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Được xem là loại cây trồng nhiều triển vọng, mang lại thu nhập cao, cây quế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là huyện Định Hóa. Không chỉ Định Hóa, cây quế còn có nhiều tiềm năng phát triển ở các huyện Phú Lương, Võ Nhai.
Quế là loại cây thân gỗ, sống lâu năm, có khả năng sinh trưởng tốt ở vùng đồi núi dốc, ít sâu bệnh. Toàn bộ thân, cành, lá, rễ của cây quế đều có thể sử dụng để chưng cất tinh dầu, làm thuốc, gia vị. Vỏ quế là nguồn đặc sản xuất khẩu có giá trị.
Hiện nay, người dân Thái Nguyên đang áp dụng kỹ thuật trồng quế với mật độ dày, đầu tư thâm canh, cho thu hoạch sớm từ lá và cành quế. Từ năm thứ 6-7, cây quế có thể cho thu hoạch vỏ. Với giá bán hiện tại, 1ha quế sau 17 năm canh tác có thể mang lại giá trị khoảng 1,3 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Thái Nguyên đang định hướng hình thành các vùng trồng quế tập trung, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản phẩm quế thu trên 1 chu kỳ đạt 1 tỷ đồng/ha trở lên.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến quế.