![]() |
Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người làm chổi đót phải trải qua 6 công đoạn: tướt đót, lăn con, bó cổ, bó cán, bện và gom thành phẩm. |
Chổi đót của Làng nghề bó chổi Mỹ Thành được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo và lành nghề của chính người dân địa phương. Làng nghề bó chổi Mỹ Thành không chỉ tất bật nhộn nhịp trong những ngày giáp Tết Nguyên đán mà những ngày thường cũng vậy. Đây có thể xem là một trong những Làng nghề của tỉnh Phú Yên có lượng sản phẩm tiêu thụ mạnh, hộ tham gia Làng nghề và người lao động làm nghề đông nhất.
![]() |
Nghề chổi đót tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động, nâng cao đời sống vật chất của người dân địa phương. |
Những năm gần đây, sản phẩm chổi đót của Làng nghề bó chổi Mỹ Thành được tiêu thụ mạnh, thị trường được mở rộng ra các tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận… Người làm nghề mở rộng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động tại địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.
Theo người dân địa phương cho biết thì Làng nghề bó chổi Mỹ Thành hình thành từ rất lâu đời, trước kia từng nhà làm nghề bó chổi riêng lẻ, nay có thị trường tiêu thụ, lao động cũng được phân chia theo từng công đoạn làm chổi. Nhà thì lựa chọn đót, tách đót, nhà bó cổ và thân chổi, nhà lại đảm nhận khâu quấn thép...Tất cả đều có sự phân chia lao động hợp lý, là một trong những yếu tố giúp Làng nghề bó chổi Mỹ Thành đứng vững, phát triển trên thị trường.
![]() |
Để có được cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp phải có sự khéo léo và gia công chắc chắn ở mỗi công đoạn, nhất là công đoạn bện chổi. |
Bà Nguyễn Thị Nam (52 tuổi) ở Làng nghề bó chổi Mỹ Thành chia sẻ: Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người làm chổi đót phải trải qua 6 công đoạn: tướt đót, lăn con, bó cổ, bó cán, bện và gom thành phẩm. Trong đó công đoạn bó cổ, bó cán là khó nhất, đòi hỏi phải làm thật tỉ mỉ để sản phẩm ra tròn, đều và đẹp, quyết định chất lượng sản phẩm. Để có được cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp phải có sự khéo léo và gia công chắc chắn ở mỗi công đoạn, nhất là công đoạn bện chổi. Trong các công đoạn, việc tước đót được xem là bước quan trọng để hình thành nên cây chổi.
Bà Đào Thị Bảy (80 tuổi) ở Làng nghề bó chổi Mỹ Thành bày tỏ: Làng nghề bó chổi Mỹ Thành đã hình thành hơn 100 năm nay, khi tôi còn nhỏ thế hệ ông bà, cha mẹ tôi đã làm nghề bó chổi rồi. Nghề này ai cũng làm được kể cả người già, miễn là còn sức khỏe, nhưng đòi hỏi người làm nghề phải chịu khó, tỉ mỉ, khéo léo mới có thể làm nghề lâu dài và sinh nghề tử nghiệp với cây chổi. Phải làm sao cho cây chổi trông sắc sảo, đẹp mắt mới lấy được lòng khách hàng, người tiêu dùng. Sản phẩm chổi đót làm quanh năm nên bà con Làng nghề đều có công ăn việc làm, nguồn thu nhập hằng ngày. Vì vậy, công việc làm chổi đót trở thành nguồn thu nhập chính, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
![]() |
Cây chổi đót thành phẩm. |
Chổi đót là vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình, bởi vậy làm chổi đót cho đầu ra rất tốt, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3 đến 5 triệu đồng. Cả Làng nghề bó chổi Mỹ Thành sản xuất trung bình 100.000 cây chổi đót/tháng, giá bán thị trường 15.000 đến 25.000, 35.000 đồng/cây chổi đót tùy vào độ dày mỏng khác nhau. Tham quan Làng nghề bó chổi Mỹ Thành, du khách có thể tự tay làm ra một sản phẩm và sử dụng để cảm nhận được sự khéo léo của đôi bàn tay người nghệ nhân Làng nghề đã khó nhọc làm ra cây chổi đót như thế nào.
![]() |
Làng nghề bó chổi Mỹ Thành được UBND tỉnh Phú Yên công nhận năm 2007. |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thắng Diệp Tấn Dương, cho biết: Thôn Mỹ Thành có 845 hộ, 2872 nhân khẩu, số hộ tham gia Làng nghề là 161 hộ. Làng nghề bó chổi Mỹ Thành được UBND tỉnh Phú Yên công nhận năm 2007 đã góp phần thu hút lao động giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cải thiện đời sống, góp phần xây dựng thôn Mỹ Thành được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, sản phẩm chổi đót Tường Dân được UBND huyện Phú Hòa công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Để người dân Làng nghề bó chổi Mỹ Thành có điều kiện đầu tư sản xuất, Hội Nông dân xã Hòa Thắng hỗ trợ, hướng dẫn bà con vay vốn, phát triển nghề làm chổi truyền thống của địa phương. Đây cũng là cách để gìn giữ và phát triển Làng nghề bó chổi Mỹ Thành hiện tại và tương lai.