![]() |
Bắt đầu từ cam kết chung
Nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB). Với những lợi thế riêng về địa lý, điều kiện tự nhiên, nhiều tiểu vùng sinh thái, đa dạng sinh học… nông nghiệp vùng TDMNPB đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với nhiều sản vật đa dạng, độc đáo, mang bản sắc riêng. Tính đến năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả trong TDMNPB đạt gần 272.000ha, chiếm 21% diện tích cả nước - trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ hai trên cả nước, chỉ sau Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, suốt một thời gian dài chạy theo sản lượng, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, canh tác độc canh nhiều vụ liên tục… tập quán canh tác thiếu khoa học đã trở thành vòng luẩn quẩn khiến nhiều diện tích đất vùng TDMNPB bị chai lì, thiếu dinh dưỡng, ngày càng kiệt quệ, ảnh hưởng đến hệ sinh thái… Kéo theo đó là những hệ lụy về sức khỏe, kinh tế, biến đổi khí hậu… đang tác động trực tiếp tới người nông dân.
Giữa những thách thức ấy, không ít người đã lựa chọn “ngược dòng”, tiên phong chuyển đổi hữu cơ, chấp nhận đánh đổi lợi nhuận trước mắt để phục hồi môi trường. Đất, nước, cây, môi trường sống thay đổi và con người cũng đổi thay. Trong quá trình ấy, có những cộng đồng tử tế đã được hình thành với giấc mơ về những giá trị bền vững.
Xã Phiêng Khoài vốn được biết đến như “thủ phủ” mận hậu của huyện Yên Châu (cũ), tỉnh Sơn La. Từ hàng chục năm về trước, cây mận đã bén rễ tại Phiêng Khoài, để đến nay, trở thành một loại quả đặc sản nổi danh của vùng đất này.
Cùng với cây mận, những năm nay, xã Phiêng Khoài đang phát triển nhiều loại cây ăn quả như xoài, nhãn, bưởi, chanh leo, lê Tai Nung… Khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng phù hợp là lợi thế để Phiêng Khoài hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Nằm trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Yên Châu (cũ), HTX Kiên Cường (xã Phiêng Khoài, tỉnh Sơn La) đang tích cực chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ. Thành lập từ năm 2021, HTX Kiên Cường hiện có 8 hộ thành viên, tổng diện tích 30ha, sản phẩm chủ lực của HTX là mận, lê Tai Nung, cam, hồng.
Bà Đinh Thị Mây - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, các hộ thành viên trong HTX đã có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp lâu năm. Nhưng chục năm về trước, các hộ ở đây ai mạnh nấy làm, thửa nào cũng xanh um lá mà quả nhỏ, bán không được giá. Các nhà chưa có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, đầu ra tiêu thụ chưa ổn định. Có thời điểm, mận bị ép giá, chỉ bán được 1 - 2 nghìn đồng. Người nông dân vì thế, lại càng phụ thuộc vào phân, thuốc để vớt vát sản lượng.
Bước ngoặt chỉ đến khi canh tác an toàn, canh tác hướng hữu cơ dần trở thành xu hướng tại xã Phiêng Khoài. Quả mận trồng theo phương pháp canh tác mới cho quả to hơn, ngon hơn, bán được giá hơn, dần xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường.
![]() |
Nhiều hộ gia đình, HTX tại xã Phiêng Khoài, tỉnh Sơn La đã chuyển sang canh tác cây ăn quả theo hướng hữu cơ. (Ảnh: Thảo My) |
Không nằm ngoài xu hướng ấy, từ khi thành lập, HTX Kiên Cường cũng chủ động tham gia tập huấn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Các thành viên chủ động áp dụng quy trình sản xuất an toàn vào các khâu, từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái, bảo quản, đảm bảo tiêu chí an toàn, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của vùng Phiêng Khoài.
Nhờ vậy, HTX không chỉ cải thiện được chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất mà còn nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều khách hàng ưa chuộng sẵn sàng mua với mức giá cao hơn thông thường, tạo nên thương hiệu riêng cho HTX Kiên Cường.
Có gần 90 ha mận sản xuất theo hướng hữu cơ và VietGAP, HTX Kiên Cường ở xã Phiêng Khoài là 1 trong 3 HTX được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Mận hậu Sơn La. Không chỉ thế, sản phẩm mận của HTX được lựa chọn đưa lên hệ thống suất ăn hàng không trong 2 năm liên tiếp.
![]() |
Nông sản của HTX Kiên Cường được chăm chút từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái, bảo quản, đảm bảo tiêu chí an toàn. (Ảnh: Thảo My) |
“Thương hiệu Mận hậu Sơn La và mận hậu Phiêng Khoài được xây dựng từ chất lượng, an toàn, đó là sự nỗ lực, đồng lòng của rất nhiều người nông dân, nhiều HTX. Chung tay xây dựng thương hiệu ấy, “an toàn” đã trở thành cam kết của chúng tôi trong sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản của HTX Kiên Cường. Mỗi một sản phẩm được tạo ra là một lời cam kết an toàn, bền vững có trách nhiệm với người tiêu dùng”, bà Mây cho biết.
Tại HTX, các hộ thành viên và các hộ gia đình liên kết cùng thực hiện quản lý nghiêm ngặt vùng nguyên liệu, thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn và đáp ứng đúng tiêu chuẩn VietGAP từ khâu trồng, chăm sóc cũng như thu hái và bảo quản, đảm bảo quy trình sản xuất hoàn toàn tự nhiên không dùng hóa chất bảo quản.
“Chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu nông sản an toàn. Nông nghiệp hữu cơ sẽ là hướng đi dài hạn của HTX để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản sạch Phiêng Khoài”, bà Mây cho hay.
Thành công nhờ cộng đồng
ếu Phiêng Khoài là câu chuyện khởi đầu từ sự cam kết, thì Khe Cốc, xã Tức Tranh (cũ), nay là xã Vô Tranh, tỉnh Thái Nguyên lại chuyển đổi hữu cơ thành công nhờ sự đồng lòng của cộng đồng.
Được biết, xã Tức Tranh là một trong những vùng chuyển đổi nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây có lợi thế là vùng trồng chè lâu đời, với giống chè trung du đã được thuần hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình Tức Tranh.
Từ năm 1998, nơi đây đã được lựa chọn để xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ. Nhưng chè hữu cơ chỉ thực sự khởi sắc khi vùng chè Khe Cốc bắt đầu chuyển đổi sang hướng hữu cơ, mà ông Tô Văn Khiêm là người tiên phong.
Ông Tô Văn Khiêm hiện đang là Trưởng xóm Khe Cốc, Chủ tịch HĐQT HTX Chè An toàn Khe Cốc. Bên chén trà mạn, ông Khiêm bồi hồi nhớ lại: Trước Đổi mới, do chưa biết tác hại của việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên có một thời, vùng chè Khe Cốc bị ô nhiễm nặng. Còn nhớ tối hè nóng nực, trong xóm không nhà nào dám mở cửa vì sợ mùi thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Người ít nghe thấy tiếng côn trùng, ít thấy giun trong đất, đom đóm, bướm như xưa.
Cây chè ăn bội thực phân bón nên cây đẻ nhánh nhiều, thân không khỏe. Do cây thừa đạm, lá xanh đậm mà mềm, uống chưa ngon, dễ thu hút các loại côn trùng và nấm bệnh.
![]() |
“Môi trường ô nhiễm như thế thì sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng. Trong khi ấy, chè không bán được giá, người trồng chè vẫn lao đao tìm đầu ra tiêu thụ. Điều đó làm tôi thao thức hàng đêm.”, ông Khiêm tâm sự.
Những trăn trở ấy thôi thúc ông tìm về với hướng canh tác sạch, bền vững. Suốt 3 năm, ông khăn gói lên đường đến các vùng chè VietGAP, hữu cơ thành công ở Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Thái Nguyên… Riêng vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên), ông tới ăn ngủ cả trăm lần.
Những năm tháng học và sống tại những vùng làm chè VIETGAP, hữu cơ giúp ông Khiêm hiểu rằng những mô hình “sạch” bền vững chỉ có thể thành công khi có sự chung tay của cộng đồng.
Nhìn vùng chè khác chuyển đổi thành công, có thu nhập ổn định, ông Khiêm càng quyết tâm phải thay đổi cái nhìn, nhận thức của bà con về canh tác chè an toàn, chè hữu cơ.
![]() |
Các đồi chè trung du tại Khe Cốc (xã Vô Tranh, tỉnh Thái Nguyên) được canh tác theo lối thuận thiên, tận dụng các tầng sinh trưởng. (Ảnh: Kiều Tâm) |
Ông tranh thủ các buổi họp xóm để vận động, giải thích cho bà con lợi ích lâu dài khi làm chè an toàn. Chính ông cũng chủ động chuyển đổi, tự đi mua phân chuồng về ủ với nấm đối kháng trichoderma bón cây 3 lần mỗi năm thay thế phân hóa học và không dùng thuốc trừ cỏ. Người lao động thời vụ trong vườn nhà cũng được ông chia sẻ, chỉ dẫn tỉ mỉ quy trình trồng chè sạch, chè hữu cơ.
Vạn sự khởi đầu nan, những năm đầu, lựa chọn của ông Khiêm khó tránh khỏi cái nhìn ái ngại, băn khoăn từ những người xung quanh. “Nhưng cũng có những người đã nhận thấy tiềm năng của hướng đi này. Tôi đã vận động được 31 hộ trong Khe Cốc cùng lập tổ sản xuất chè an toàn. Chúng tôi cùng nhau trao đổi, học hỏi, cùng áp dụng phương pháp canh tác mới, chuyển sang dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học”, ông Khiêm chia sẻ.
Nỗ lực chuyển đổi của ông và tổ sản xuất cuối cùng cũng cho quả ngọt. Thấy mô hình chè sạch thành công, nhiều hộ trong vùng cũng học tập làm theo.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một hộ đã chuyển đổi sang trồng chè sạch tại Khe Cốc, bảo: “Lúc đầu cũng lo, vì tôi đã quen cách làm cũ, sợ cây bị sâu, năng suất giảm. Nhưng làm theo lời ông Khiêm, tôi thấy cây chè không chỉ khỏe hơn, bán chè được giá hơn mà vùng đất này và chính tôi cũng đang khỏe lại. Bây giờ, chúng tôi tự bảo nhau tận dụng tầng cây, tầng cỏ, tự ủ phân bón từ phụ phẩm để chăm cây. Cây chè tự khỏe mà chúng tôi cũng bớt kha khá chi phí”.
Chị Đỗ Thị Quyên, người dân xóm Khe Cốc phấn khởi: Cả nhà tôi sống nhờ nghề làm chè. Chè trồng sạch thơm hơn, ngon hơn, đậm vị hơn, khách hàng sẵn sàng mua với mức giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng cho 1 cân chè sạch ngon. Để mỗi cân chè Khe Cốc đều xứng đáng với mức giá đấy, chúng tôi cũng phải cùng nhau trồng chè sạch, chè an toàn.
Đến năm 2020, đã có 20ha chè vùng lõi của Khe Cốc đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nằm trong 121ha chè hữu cơ của tỉnh Thái Nguyên. Chè Khe Cốc được nhiều người biết đến, được mệnh danh là “Tứ đại danh trà” đất Thái Nguyên.
![]() |
Năm 2020, 20ha chè vùng lõi của Khe Cốc đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. (Ảnh: Kiều Tâm) |
Nói về kết quả này, ông Khiêm phấn khởi: “Con số 20ha chè hữu cơ đã cho thấy sự nỗ lực, đoàn kết và tinh thần kỷ luật của cả cộng đồng người làm chè vùng Khe Cốc, xã Tức Tranh (cũ).
Để chuyển đổi từ phương thức canh tác thâm canh cũ sang hữu cơ, cần nhiều thời gian. Chúng ta cùng canh tác trên một nền đất, dùng chung một nguồn nước, hít chung một bầu không khí nên mình đang chuyển đổi mà những nhà lân cận vẫn làm theo phương thức cũ, vẫn lạm dụng hóa chất thì công sức của người chuyển đổi sẽ bị phí phạm.
Tôi tin rằng diện tích chè hữu cơ của Khe Cốc sẽ còn tăng lên. Khi đó, không còn ranh giới mềm giữa những đồi chè, vườn chè của mỗi nhà, thay vào đó là tinh thần trách nhiệm”.
Nhìn từ những vườn mận VietGAP tại Phiêng Khoài đến những đồi chè hữu cơ tại Khe Cốc, và rộng hơn là câu chuyện làm hữu cơ của nhiều cộng đồng khác tại vùng TDMNPB, có thể thấy, thành công của những mô hình hữu cơ không chỉ dừng lại ở sự thay đổi trong kỹ thuật canh tác.
Chuyển đổi hữu cơ còn là hành trình đổi thay trong nhận thức, để hình thành những cộng đồng tôn trọng đất, nước, môi trường sống, sức khỏe con người, và hướng tới những giá trị bền vững. Ở đó, cam kết sạch dần thành nếp nghĩ, lối làm, rồi trở thành trách nhiệm chung. Sự đồng lòng ấy là vốn quý để nhân rộng mô hình hữu cơ, để những giá trị xanh lan tỏa lâu dài.