Nhiều gia đình chấp nhận gặt lúa non về làm thức ăn cho gia súc - Ảnh minh họa. |
Những ngày qua, mực nước trên các sông ở Ninh Bình lên cao kết hợp với mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng. Đặc biệt là tại các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh, Gia Phong, Gia Hòa (huyện Gia Viễn); xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong, Gia Sơn, Thượng Hòa, Sơn Thành (huyện Nho Quan); xã Yên Lâm, Yên Thái, Khánh Dương (huyện Yên Mô)...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 14.9, mưa lớn nhiều ngày liên tục khiến cho hàng nghìn hecta lúa chưa kịp thu hoạch của người dân bị ngập úng.
Theo thông tin báo chí, trong ngày 14/9, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân tại xã Lạc Vân (huyện Nho Quan, Ninh Bình) đã tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa để giảm thiểu thiệt hại.
Nhìn ruộng lúa sắp đến vụ thu hoạch bị ngập sâu trong nước, chị Bùi Thị Huyên (thôn Cẩm Địa, xã Lạc Vân) không khỏi xót xa, bao nhiêu công sức chăm sóc, đầu tư bây giờ mất trắng.
"Nhà thì nước cũng vào ngập mấy ngày hôm nay rồi, điện mất mấy hôm nay cả gia đình ăn uống đều nhờ các đoàn từ thiện họ đến cho. Ngồi ở nhà cũng sốt ruột nên hôm nay tranh thủ thời tiết nắng ráo ra xem ruộng nương thế nào nhưng nhìn trắng băng thế này thì mất trắng rồi" - chị Huyên chia sẻ.
Ông Đinh Hồng Tuyến (thôn Lạc 2, xã Lạc Vân) cho biết, vụ mùa năm nay nhà ông gieo cấy 5 sào. Lúa sắp đến vụ thu hoạch rồi nhưng bị ngập trắng do mưa lũ.
"Lúa mới chín được khoảng 30 - 40% bị ngập như vậy coi như mất trắng. Tranh thủ thời tiết nắng ráo gia đình tôi ra gặt xem vớt vát được ít nào hay ít đấy" - ông Tuyến chia sẻ.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp Thủ đô |
Hưng Yên: Vùng trồng hoa lớn nhất tỉnh tan hoang vì lũ |
Gần 55.000 ha lúa ở Thái Bình thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 |
Tương tự, gia đình bà vụ mùa năm nay, gia đình bà Quách Thị Năm (thôn Lạc 1, xã Lạc Vân) cũng cấy 4 sào lúa. Tuy nhiên, do mưa lũ khiến toàn bộ diện tích lúa của gia đình bà đã bị ngập trong nhiều ngày qua.
"Do diện tích lúa bị ngập nước không thể sử dụng phương tiện cơ giới như máy gặt để thu hoạch mà phải gặt bằng tay nên tiến độ rất chậm. Lúa non gặt về cũng chỉ để làm thức ăn cho gia súc chứ người không ăn được" - bà Năm chia sẻ.