Những năm gần đây, nuôi cá tầm đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn tại huyện Đam Rông, Lâm Đồng |
Theo báo cáo của UBND huyện Đam Rông, hiện nay, toàn huyện có hơn 14,3 ha mặt nước nuôi cá tầm với 82 cơ sở. Các xã Rô Men, Liêng Srônh, Đạ Tông và Đạ M’Rông là những địa phương có diện tích nuôi tập trung nhất. Nguồn nước nuôi cá chủ yếu được dẫn từ các suối tự nhiên về các ao nuôi, một số hộ còn tận dụng nước thải sau xử lý. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và kỹ thuật nuôi ngày càng được cải tiến, năng suất cá tầm trung bình đạt 90 tấn/10.000m2 ao nuôi, sản lượng hàng năm đạt trên 1.200 tấn
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nghề nuôi cá tầm tại Đam Rông cũng đang đối mặt với một số khó khăn. Đáng chú ý là tình trạng nuôi cá tự phát, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Nhiều hộ dân tận dụng đất nông nghiệp, nguồn nước tự nhiên để nuôi cá mà chưa xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa đăng ký khai thác nước mặt. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, dễ dẫn đến tranh chấp về nguồn nước và ảnh hưởng đến môi trường, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Ngoài ra, việc quy hoạch đất đai chưa đồng bộ cũng là một hạn chế. Một số khu vực có tiềm năng phát triển nuôi cá tầm lại nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp, gây khó khăn cho người dân trong việc mở rộng diện tích nuôi.
Để phát triển bền vững nghề nuôi cá tầm, các cấp chính quyền huyện Đam Rông cần có những giải pháp đồng bộ như, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, các quy định pháp luật liên quan đến nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ người dân cấp giấy phép khai thác nước mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận vốn, kỹ thuật, hoàn thiện, điều chỉnh quy hoạch đất đai để tạo điều kiện phát triển nghề nuôi cá tầm một cách bền vững, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng nuôi cá tự phát, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nuôi cá tầm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Đam Rông. Tuy nhiên, để phát triển nghề này một cách bền vững, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người dân./.