![]() |
Nhiều diện tích lúa trổ không thoát, nghẹn đòng, không đồng đều và thoái hóa đầu bông nhiều, tỷ lệ lép xanh cao |
Bước vào mùa thu hoạch nhưng người nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An không còn hứng khởi cũng chẳng phải dày công chuẩn bị để bước vào vụ như trước đây. Bởi hiện nay, trên cánh đồng lúa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An diện tích lúa trổ không cúi và tỷ lệ lép xanh cao.
Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp các địa phương ở Nghệ An, các diện tích lúa bị thiệt hại chủ yếu xảy ra ở trà sớm, trỗ trước ngày 20/4, các diện tích trỗ sau ngày 20/4 bị thiệt hại nhẹ hơn.
Các diện tích lúa bị lép xanh, không kết hạt xuất hiện nhiều trên những trà lúa trỗ trước 15/4. Qua rà soát đến thời điểm này, có trên 2.500ha lúa bị lép hạt, tập trung tại các huyện Diễn Châu 1.858 ha, thị xã Thái Hòa 305 ha, Anh Sơn 193 ha, Yên Thành 150 ha, Nghi Lộc 6ha. Trong đó các giống có mức độ lép cao là Dương Ưu 725 (Hà Xuyên), An Nông 1424, HYT 100, AYT 77, VT 404... với tỷ lệ khoảng 40 - 60%, cục bộ một số diện tích tỷ lệ bị lép lửng, không kết hạt trên 70%...
![]() |
Ông Nguyễn Đình Chữ (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) rầu rĩ khi cả mẫu ruộng không cho thu hoạch |
Xót xa trước những thửa ruộng dày công chăm bẵm, ông Nguyễn Đình Chữ ở xã Đồng Thành - Yên Thành không khỏi ngậm ngùi khi mất trắng cả mẫu ruộng, ông Chữ cho hay: Năm nay gia đình tôi ưu tiên mua giống An Nông 1424. Đây là loại giống lần đầu tiên sử dụng. Gia đình xuống giống đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình nhưng khi lúa trổ thì xảy ra tình trạng bông lép, không kết hạt”.
Cùng chung nỗi lòng là hộ bà Nguyễn Thị Quý vụ Xuân năm nay gia đình bà Quý trồng tổng cộng 8 sào lúa, trong đó 5 sào dùng giống An Nông 1424 gần như mất trắng.
Mang theo tâm trạng rầu rĩ, chị Nguyễn Thị Thế ở xã Tân Thành – Yên Thành cho biết: “Vụ Đông Xuân này gia đình tôi có 5 sào để sản xuất và chỉ sử dụng độc đắc giống lúa Dương Ưu nhưng khi trổ phía trên bông lúa trắng tinh, không có hạt, chỉ kết hạt phía dưới được khoảng 30%”.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Thế (xã Tân Thành – huyện Yên Thành) gặt lúa về làm thức ăn cho trâu, bò |
Sau khi ghi nhận thực tế tại một số cánh đồng trên địa bàn huyện Yên Thành, tình trạng lúa lép, trổ bông không thoát, nghẹn đòng, lúa trổ không cúi và tỷ lệ lép xanh cao diễn ra trên nhiều cánh đồng. Qua khảo sát, vụ Xuân 2025, huyện Yên Thành gieo cấy trên 12.850 ha. Ước tính sơ bộ đến thời điểm này có khoảng 150 ha lúa sử dụng giống mới bị ảnh hưởng, trong đó tỷ lệ lép xanh phổ biến từ 30 - 50%, cá biệt có những diện tích lên đến 60 - 80%, không có khả năng thu hoạch. Ngoài ra, các giống khảo nghiệm, giống sản xuất thử như SYN 18, Dự Hương… cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
![]() |
Ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành kiểm tra thực tế tình trạng lúa trổ không kết hạt |
Theo ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành hầu hết các trà lúa, các giống lúa vụ xuân 2025 trổ không thoát, thời gian trổ kéo dài, không đều, thoái hóa đầu bông, tỷ lệ lép xanh cao. Nguyên nhân là do giai đoạn lúa phân hóa đòng và trổ bông thời tiết lạnh kéo dài, ẩm độ không khí cao, ít ánh sáng, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Một số vùng xuống giống sớm hơn lịch thời vụ từ 15 - 20 ngày, cùng với việc sử dụng các giống không đảm bảo, giống mẫn cảm với nhiệt độ thấp cũng góp phần làm tăng mức độ thiệt hại.
Trao đổi với ông Trịnh Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp An Nông (đơn vị có giống lúa An Nông 1424) cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của nông dân về hiện tượng lúa trổ không cúi, phía công ty cũng đã cho nhân viên về kiểm tra, ghi nhận thực tế và cho kiểm tra lại các khâu sản xuất giống. Đồng thời phía công ty cũng đã báo cáo với cơ quan chuyên môn của tỉnh để sớm đưa ra kết luận.
![]() |
Lúa được bó về làm thức ăn cho động vật |
Qua kiểm tra thực tế, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An nhận định có nhiều nguyên nhân khiến nhiều diện tích lúa xuân năm nay trỗ không thoát, không kết hạt và tỷ lệ xanh lép cao.
Trước hết về nguyên nhân khách quan, đầu tiên phải kể đến do điều kiện thời tiết trong cả vụ nhiệt độ thấp, chênh lệnh nhiệt độ ngày - đêm quá lớn, nhiệt độ cao - thấp thay đổi nhanh, thời gian, cường độ chiếu sáng thấp..., nhất là trong khoảng tháng 3 đến đầu tháng 4/2025. Về mặt chủ quan, nhiều vùng nông dân vẫn duy trì tập quán gieo cấy sớm, hoặc rất sớm, không tuân thủ lịch thời vụ…