Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe đất nhằm theo dõi, giám sát chất lượng đất trên toàn quốc - Ảnh minh họa. |
Đất trồng trọt đang bị suy thoái
Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe đất, như đất đai bị suy thoái do xói mòn, nhiễm phèn, nhiễm mặn ở các vùng thấp, và sự lạm dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái đất, khiến dinh dưỡng cây trồng trở nên khan hiếm và mất cân đối. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Trong bối cảnh đó, sáng 18/10 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung chủ trì.
Trước đó, ngày 11/10/2024, Bộ NN-PTNT chính thức phê duyệt “Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”. Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tại Hội nghị, đại diện Cục Trồng trọt cho biết, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt không thể tái tạo. Việc đẩy mạnh cải tạo đất, thâm canh thời gian qua đã đưa lại nhiều thành tựu cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc thù 70% đất đai canh tác ở Việt Nam nằm trên địa hình dốc dẫn tới hiện tượng rửa trôi, suy thoái, kiệt quệ dinh dưỡng ở những vùng thâm canh cao; việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng tới sức khỏe đất đai và cây trồng.
Đất trồng trọt bị suy giảm nghiêm trọng do tập quán canh tác trồng nhiều vụ một năm; lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài dẫn tới đất bị trơ cứng, mất độ tơi xốp. Tập quán canh tác độc canh lấy đi chất lượng dinh dưỡng của đất.
Ngoài ra, các vùng canh tác cây ăn quả chỉ chú trọng tới NPK dẫn tới đất bị mất cân bằng dinh dưỡng; không cho đất nghỉ; hệ thống dữ liệu chưa hoàn thiện, thông tin dự báo thị trường chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn tới chất lượng đất bị suy thoái. Điển hình như Đồng bằng sông Hồng có hệ số sử dụng đất cao; Tây Nguyên thâm canh cây công nghiệp café, hồ tiêu… làm độ PH trong đất cao hơn nhiều lần so với chỉ số tự nhiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt nếu không có biện pháp quản lý và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong tương lai. Do đất nông nghiệp nước ta phân bố trên các vùng sinh thái với các dạng địa hình, cơ cấu cây trồng và chế độ canh tác khác nhau nên chất lượng đất cũng đã thay đổi theo nhiều hướng khác nhau.
Vì vậy, cần có giải pháp nâng cao chất lượng đất trồng. Năm 2024 Bộ có nhiều hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe đất trồng: Chỉ thị ban hành về nâng cao sức khỏe đất tầm nhìn 2030 với 5 nhiệm vụ trọng tâm, 8 giải pháp.
Cục trồng trọt đã xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về đất điều tra khảo sát thực trạng đất tại các vùng có nguy cơ; tổ chức các hội thảo…; xây dựng chiến lược để quản lý sức khỏe đất của quốc gia liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp để trình Chính phủ ban hành.
Ông Nguyễn Quang Tin, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để có một bộ cơ sở dữ liệu về đất trồng trọt thì cần hệ thống lại, nghiên cứu hoàn thiện. "Chúng tôi đề xuất đến đầu 2025, các Viện nghiên cứu của Bộ, các cơ quan đã tham gia Đề án, cần chung tay hoàn thiện cơ sở dữ liệu", ông Tin nói.
Về chất lượng đất, sức khỏe đất nói chung, hiện Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu. Từng đối tượng cây trồng, từng vùng đất đều phải có con số cụ thể để sử dụng được, trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mặt khác, Việt Nam đang vững bước trên con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, nên càng cần có dữ liệu đất.
Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ phân tích, một trong những điểm yếu về đất là nước ta chưa có ứng dụng (app) về dữ liệu đất, đầu ra cũng như đầu vào. "Hầu như năm nào cũng có công trình nghiên cứu về đất, về phân bón, song còn rời rạc. Chúng ta cần những chương trình có sự phối hợp, quy mô như nghiên cứu về giống lúa, giống cây trồng. Tôi cũng nghĩ các nghiên cứu sắp tới về đất cần thay đổi, có sự đầu tư bài bản".
4 định hướng của Đề án
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng” được xây dựng nhằm bảo vệ và phục hồi tài nguyên đất, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời xây dựng nền nông nghiệp bền vững và an toàn sinh thái. Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Đề án tập trung vào hoàn thiện hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật: Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về đánh giá sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe đất nhằm theo dõi, giám sát chất lượng đất trên toàn quốc.
Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ cao, bao gồm việc ứng dụng vi sinh vật có ích, phân bón sinh học, và phân bón nhả chậm. Nghiên cứu các phương pháp canh tác bền vững, đặc biệt trên các loại đất "có vấn đề" như đất nghèo dinh dưỡng hoặc dễ bị xói mòn.
Thứ ba, Đề án hướng tới đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc tổ chức các chương trình tập huấn cho nông dân và cán bộ kỹ thuật về sử dụng phân bón hợp lý và quản lý sức khỏe đất. Phát triển mạng lưới cán bộ kỹ thuật phối hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học nhằm nâng cao năng lực trong quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng.
Cuối cùng, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và địa phương trong quá trình triển khai Đề án. Đồng thời, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực tài chính để đảm bảo tính khả thi và bền vững của các hoạt động.
Ứng dụng công nghệ SOFIX cải thiện “sức khỏe” đất Muốn có năng suất cao và ổn định, bền vững phải quan tâm, chăm sóc sức khỏe đất, đặc biệt, phải chú ý đến việc ... |
Bài 2: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cải tạo đất SOFIX Công nghệ SOFIX (Soil Fertile Index – Chỉ số dinh dưỡng đất) ra đời, giúp thực hiện chẩn đoán tính chất vi sinh trên cơ ... |
PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam. |
PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhận định, việc bổ sung, tăng cường chất hữu cơ cho đất là việc cần thiết, lâu dài. Ông Dũng đánh giá, Đề án rất kịp thời.
"Chúng tôi mong muốn có chương trình quốc gia nâng cao sức khỏe của đất gắn với cây trồng. Nói về sức khỏe đất có lẽ là khái niệm chưa rõ ràng, không phải ai cũng biết. Coi đất như là một cơ thể sống với 3 thành phần chính: vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa. Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh. Đây là việc làm lâu dài, liên tục", Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phát biểu.
Bổ sung chất hữu cơ trong đất là yếu tố quan trọng nhất trong vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Hội Khoa học Đất có thể tham gia trực tiếp nhiệm vụ phân loại của đất Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong phân loại đất kể từ khi thống nhất đất nước, hiện vẫn đang sử dụng hệ thống phân loại đất cũ.
Ông Dũng khẳng định, nếu được Bộ chấp thuận, nửa đầu năm 2025, Hội sẽ hoàn thành nhiệm vụ thống kê, phân loại đất của Việt Nam; cuối 2025 sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe đất cùng với các cơ quan của Bộ NN-PTNT.
Ngay sau Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành kế hoạch hành động cụ thể để triển khai Đề án một cách hiệu quả. Đề án cũng sẽ nhận được sự quan tâm và phối hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, để cùng chung tay bảo vệ và nâng cao sức khỏe đất, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.