![]() |
Hình ảnh kiểm tra rau, củ, quả tại một đơn vị kinh doanh |
An toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội hiện đại. Trước yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng và thực tế phát sinh nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác hậu kiểm là một công cụ hữu hiệu giúp giám sát và xử lý các vi phạm, được xem là “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Kế hoạch hậu kiểm năm 2025 của tỉnh Lâm Đồng hướng đến mục tiêu xuyên suốt là phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, từ đó hạn chế tối đa các nguy cơ gây ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm. Đồng thời, thông qua quá trình hậu kiểm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá thực chất việc chấp hành pháp luật của các cơ sở, xác định rõ chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường, định hướng chính sách quản lý phù hợp trong giai đoạn tới.
Theo đó, Kế hoạch triển khai chia thành nhiều nhóm hoạt động chính với quy mô lớn, bao phủ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Trong đó, công tác giám sát an toàn thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn với dự kiến 1.665 mẫu thực phẩm được lấy để thử nghiệm chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Các mẫu này bao gồm đa dạng nhóm sản phẩm từ rau củ quả, giò chả, thủy sản, đến các đặc sản như trà, cà phê, mật ong. Đặc biệt, mặt hàng sầu riêng được quan tâm với việc lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và giám định sinh vật hại nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ngày càng khắt khe.
Song song, hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch phê duyệt sẽ được triển khai tại 249 cơ sở. Trong đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra 244 cơ sở và lấy 50 mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Đây là những cơ sở được lựa chọn dựa trên phân tích rủi ro và lịch sử tuân thủ pháp luật, nhằm đảm bảo hiệu quả giám sát cao nhất. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đột xuất cũng sẽ được huy động khi có dấu hiệu vi phạm hoặc khi nhận được phản ánh từ người dân, thể hiện quyết tâm cao trong xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Một trong những điểm nhấn trong Kế hoạch hậu kiểm năm nay là việc tăng cường kiểm tra liên ngành vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và Tết Trung thu. Lực lượng của Sở Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố… để đảm bảo việc hậu kiểm diễn ra đồng bộ, không chồng chéo và đạt hiệu quả tối đa.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm, kế hoạch cũng đề cao vai trò tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho các cơ sở, đặc biệt là các đơn vị không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Việc kết hợp giữa kiểm tra và giáo dục pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, giúp doanh nghiệp, người dân tự giác chấp hành, từng bước xây dựng văn hóa sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như rau, hoa, trái cây. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và yêu cầu kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt từ các thị trường lớn, việc siết chặt công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm không chỉ là giải pháp bảo vệ người tiêu dùng trong nước mà còn là yếu tố then chốt để nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương trên bản đồ quốc tế.
Với kế hoạch được xây dựng bài bản, cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025 hứa hẹn sẽ mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp Lâm Đồng an toàn – chất lượng – bền vững./.