Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, nguồn lao động, cũng như các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào khu vực Tây Nguyên. Khu vực này có tiềm năng phát triển chung về kinh tế, về xã hội về văn hóa về tiềm năng phát triển ngành trồng trọt, là một trong những vùng trọng điểm trồng trọt của cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng như: sầu riêng, hồ tiêu, cà phê và những nông sản khác như dứa …, kể cả chăn nuôi hiện có nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư tại đây.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, tiềm năng phát triển thì lớn, nhưng cách phát triển nông nghiệp. nông thôn còn một số hạn chế và chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, hàm chứa yếu tố thiếu bền vững. Quy mô sản xuất, chế biến nhỏ, lẻ, thiếu các cơ sở chế biến sâu; việc thương mại sản phẩm còn vướng mắc; nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; đặc biệt liên kết nội vùng trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa còn yếu, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn đến thiếu các chuỗi liên kết ngành hàng nội vùng và hợp tác liên vùng hiệu quả…; các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó doanh nghiệp và hợp tác xã còn chưa nhiều về số lượng, chưa mạnh về chất lượng.
Từ Hội nghị, chính quyền địa phương các tỉnh Tây nguyên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phối hợp với nhau để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển tháo gỡ những vướng mắc trong việc xúc tiến đầu tư cho khu vực Tây Nguyên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận những vẫn đề thiết thực, hiệu quả, then chốt như: Nhìn nhận lại một cách toàn diện những lợi thế tiềm năng của Tây Nguyên trong bối cảnh kinh tế và môi trường toàn cầu hiện nay. Những lĩnh vực nông nghiệp cụ thể nào cần được ưu tiên đầu tư? Làm thế nào để khai thác hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên sẵn có và các động lực tăng trưởng mới?. Phân tích xu hướng thị trường nông sản quốc tế và trong nước; qua đó giúp các nhà đầu tư hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của thị trường toàn cầu; từ đó định hướng các sản phẩm phù hợp với yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm.
Từ đó, tham vấn cho các nhà quản lý những giải pháp đột phá, những chính sách hỗ trợ đầu tư nào cần được cải thiện, hoàn chỉnh để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế Tây Nguyên, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các hình thức hợp tác công tư, hợp tác khoa học và nghiên cứu hay các hình thức nào khác phù hợp với vùng Tây Nguyên cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Bên cạnh đó, các đại biểu nghe các báo cáo tham luận: tiềm năng, lợi thế và cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Tham luận của các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các chia sẻ về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư của các địa phương; các xu hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, đồng thời tăng cường tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các chuyên gia còn đề xuất xây dựng các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại Hội nghị |
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực Tây Nguyên là cơ hội quan trọng để các tỉnh Tây Nguyên kết nối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, mở ra các triển vọng hợp tác lâu dài và bền vững trong ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông thôn giàu đẹp và hiện đại hóa ngành nông nghiệp trong khu vực./.