Công trình vi phạm của ông Quyết trên tuyến đường Nguyễn Trường Tộ Xã Hồng Thái, An Dương, TP.Hải Phòng. |
Theo quy định của Luật Đất đai, việc sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái mục đích như xây dựng nhà ở, nhà máy, nhà xưởng, khu thương mại là các hành vi bị nghiêm cấm. UBND thành phố Hải Phòng thường xuyên có văn bản chỉ đạo, xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp buộc tháo dỡ hoặc phá dỡ công trình, vật kiến trúc trên đất vi phạm và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Tuy nhiên, trên địa bàn xã Hồng Thái, Huyện An Dương, thành phố Hải Phòng vẫn còn tồn tại nhiều công trình cũ và mới san lấp, xây dựng khung nhà tôn trông giống nhà xưởng trên đất nông nghiệp với diện tích hàng nghìn m2, dẫn đến tình trạng khó khắc phục hậu quả, lãng phí tài nguyên đất nông nghiệp của địa phương.
Cụ thể, trên tuyến đường Nguyễn Trường Tộ thuộc địa phận xã Hồng Thái, huyện An Dương xuất hiện nhiều công trình xây dựng trên đất nông nghiệp với diện tích hàng nghìn m2. Bên ngoài thì được quây tôn, bên trong thì dựng khung nhà tôn với diện tích hàng trăm m2, được bắn mái tôn mạ màu xung quanh khung nhà được quây kín tôn trông giống nhà xưởng. Cùng với đó, cũng có khu đất được quây kín tôn để làm bãi tập kết thu gom phế liệu, bãi sửa xe ôtô... Không những thế có hộ dân còn san lấp lấn chiếm lên mương thủy lợi phục vụ hoạt động tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, những vật liệu san lấp chủ yếu là chất thải rắn xây dựng, rác thải nhựa... dẫn đến hậu quả gây ô nhiễm môi trường, suy giảm chất liệu của đất nông nghiệp, làm biến dạng bề mặt đất.
Điều ngạc nhiên, dù xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp những công trình này vẫn chưa xử lý dứt điểm mà vẫn để tồn tại dẫn đến tình trạng khó khắc phục hậu quả.
Tại xóm 2 thôn Kiều Đông, xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP.Hải Phòng nhiều khu đất nông nghiệp tự ý chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm. |
Trong khi đó những năm trở lại đây, UBND thành phố Hải Phòng rất quyết liệt xử lý những vi phạm trên đất nông nghiệp và tổ chức cưỡng chế nhiều công trình vi phạm như: vụ việc cưỡng chế các công trình nhà ở “khủng” trên đất Nông trường Quý Cao tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng năm 2022; vụ UBND huyện Thủy Nguyên cưỡng chế công trình nhà hàng Bamboo của ông Nguyễn Đăng Công ở thôn 1, xây dựng trái phép trên diện tích 766 mét vuông đất nông nghiệp trồng cây hằng năm khác ven kênh Hòn Ngọc do UBND xã Quảng Thanh quản lý. Mới đây, tháng 8/2024, UBND quận Đồ Sơn tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ căn biệt thự 3 tầng xây dựng trái phép trên khu đất nông nghiệp rộng 3.600m2 tại phường Bàng La...
Trao đổi với PV tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, ông Trần Xuân Bách, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Mình mới về nhận công tác những công trình đó đã tồn tại trước rồi, ông Bách khẳng định những công trình đó là sai phạm, trước đó xã cũng đã lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ.
Khu đất của ông Quyết mặt đường Nguyễn Trường Tộ thuộc địa phận xã Hồng Thái, An Dương |
Ông Bách chia sẻ thêm: Khu đất rộng hàng nghìn m2 mặt đường Nguyễn Trường Tộ thuộc địa phận xã Hồng Thái, An Dương là khu đất của ông Quyết, trước lúc về nhận công tác thì đã tồn tại rồi, xã cũng đã lập biên bản xử phạt nhưng đến nay biên bản đã hết hiệu lực, xã đã làm báo cáo lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo xử lý.
Khu đất nhà ông Quyết san lấp chất thải xây dựng lên công trình thủy lợi phục vụ cho hoạt động tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. |
Đối với việc san lấp lên công trình thủy lợi để phục vụ cho hoạt động tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Gần khu đất của ông Quyết thì ông Bách cho biết cũng là của ông Quyết, xã đã yêu cầu xử lý múc lên và không được san lấp tại khu vực này nhưng đến đêm thì lại đổ vào và được máy xúc san phẳng, lu nèn chặt.
| ||||
Khu đất của hộ gia đình ông Bình đã được UBND xã Hồng Thái, An Dương lập biên bản xử lý và yêu cầu tháo dỡ. |
Cũng trên mặt đường Nguyễn Trường Tộ khu đất được san lấp bằng rác thải xây dựng, rác thải nhựa... được san trên bề mặt đất nông nghiệp với diện hàng nghìn m2, được ông Bách cho biết là của hộ nhà ông Bình. Trước đó xã cũng đã lập biên bản xử lý và yêu cầu tháo dỡ, nhưng hộ gia đình ông Bình xin đến ngày 5/12/2025 gia đình tự tháo dỡ.
Trước sự việc này, dư luận không khỏi bức xúc, đặt câu hỏi: Vì sao những công trình vi phạm đó vẫn ngang nhiên tồn tại, mà không bị xử lý dứt điểm.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đề nghị UBND huyện An Dương cần siết chặt quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm việc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Theo Luật Đất đai năm 2014, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng tùy mức độ và hành vi vi phạm. Hoặc bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình. Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu diện tích đất trái phép dưới 0,5ha. Bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 3ha; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng nếu diện tích chuyển đổi trái phép từ 3ha trở lên. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì bị phạt triền từ 1 – 2 triệu đồng nếu diện tích dưới 0,5ha; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng nếu diện tích từ 0,5ha đến dưới 3ha và phạt từ 5 – 10 triệu nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm vừa bị phạt tiền vừa phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên diện tích đất vi phạm đó và nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm có được. |