Hà Nội đã chủ động ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản - Ảnh minh họa. |
Dự báo sức tiêu thụ nông sản, thực phẩm dịp cuối năm trên thị trường Hà Nội có thể tăng 20 - 30%. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phục vụ hàng hóa Tết Ất Tỵ 2025, Hà Nội đã chủ động triển khai kế hoạch cung ứng, quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ.
Hà Nội là một trong những địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Ước tính mỗi tháng, thành phố cần khoảng 20 nghìn tấn thịt lợn hơi, 6,7 nghìn tấn thịt gia cầm, 110,5 nghìn tấn rau củ và 132 triệu quả trứng gia cầm.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm, Hà Nội đã chủ động ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó là hệ thống phân phối rộng khắp với hàng chục nghìn chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử...
Các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị nguồn hàng từ rất sớm, tăng lượng hàng hóa từ 7-30% so với Tết năm 2024. Đáng chú ý, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là nông sản đặc trưng và sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90% trong giỏ hàng hóa Tết.
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung, Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Các huyện ngoại thành tích cực triển khai các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng rau củ. Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm cũng cam kết mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng.
Cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các đoàn kiểm tra liên ngành cũng được thành lập để tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
Hà Nội cũng triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá được hỗ trợ về vốn, mặt bằng... để có thể cung ứng hàng hóa với giá hợp lý.