Thông qua xúc tiến thương mại giúp các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, môi trường sản xuất an toàn, tỉnh ta tăng cường mối liên kết chuỗi sản xuất - chế biến giữa cơ sở chế biến với người sản xuất; qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu và giá trị gia tăng sản phẩm hữu cơ. Đưa nghị quyết vào cuộc sống, tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả, tránh bệnh thành tích. Phát triển nông nghiệp hữu cơ bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch và tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Trong năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu thực hiện duy trì và tái cấp lại, cấp mới đối với sản phẩm trồng trọt, gồm: Chè hữu cơ duy trì và tái cấp lại 2.513 ha/5.486 ha, đạt 45,8%; diện tích cấp mới 1.657 ha/4.598 ha, đạt 36%; diện tích cây có múi 120 ha/350 ha, đạt 34,2%; cây ăn quả ôn đới 255 ha/180 ha, đạt 141,6%; cây lúa đặc sản 405 ha/220 ha, đạt 184%; cây dược liệu 576 ha/350 ha, đạt 164,5%. Đối với sản phẩm chăn nuôi, gồm: Bò vàng địa phương 1.650 con/1.650 con, đạt 100%; lợn đen địa phương 4.600 con/4.700 con, đạt 97,8%; mật ong Bạc hà 9.700 tổ/7.000 tổ, đạt 138,5%.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Phát triển nông nghiệp hữu cơ được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hoặc nhóm hộ sản xuất gắn với vùng sản xuất. Các hộ có diện tích sản xuất, vùng nuôi, trồng đảm bảo triển khai áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ, có nhu cầu chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Đồng thời, quản lý chặt chẽ đầu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: Giống cây trồng, vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn được cấp chứng nhận khi lưu thông trên thị trường. Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định.
Bò Vàng vùng cao là một trong những sản phẩm phát triển theo hướng hữu cơ. |
Để hiện thực mục tiêu đặt ra, các ngành liên quan của tỉnh đang tập trung khảo sát, đánh giá ban đầu về điều kiện sản xuất tại vùng dự kiến chuyển sang sản xuất hữu cơ, thực trạng năng lực chế biến của doanh nghiệp, hợp tác xã. Xác định xây dựng vùng sản xuất hữu cơ gắn liền với cơ sở chế biến để đảm bảo mối liên kết theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ; quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm và duy trì giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Đào tạo, tập huấn thực hiện quy trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, quản lý an toàn thực phẩm trong khâu chế biến theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn áp dụng. Tư vấn, hướng dẫn xây dựng vùng sản xuất hữu cơ, kiểm nghiệm, đánh giá, cấp chứng nhận và quản lý giấy chứng nhận. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật; nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Mèo Vạc là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng như bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, mật ong Bạc hà… nên sản xuất nông nghiệp hữu cơ luôn được địa phương chú trọng. Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết: Huyện xây dựng kế hoạch chi tiết từng địa phương; xác định các nhiệm vụ ưu tiên, bố trí nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác triển khai, tiến độ, kết quả thực hiện. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực tham gia liên kết trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Phối hợp với các tổ chức tín dụng tuyên truyền đến người dân về chính sách cho vay để sản xuất, kinh doanh; chủ động tuyên truyền, vận động hộ dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ, yếu tố khoa học kỹ thuật giữ vai trò quan trọng; vì vậy, tỉnh tập trung ứng dụng công nghệ kết hợp với kinh nghiệm truyền thống để sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đưa chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất. Sử dụng các nguồn nguyên liệu tự nhiên, sẵn có để chế biến phân bón, gìn giữ các vùng rừng núi tự nhiên, canh tác quảng canh, chưa bị ô nhiễm hóa chất để phát triển các sản phẩm hữu cơ. Bảo tồn, phục tráng phát triển, khai thác vùng sản xuất hữu cơ nhằm tăng độ phì nhiêu tự nhiên của đất… Tất cả hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, giúp cuộc sống người dân địa đầu Tổ quốc có cuộc sống ngày một ấm no./.