ng Tháp đã triển khai thí điểm Đề án từ vụ Thu Đông năm 2024 với diện tích gần 50 ha tại huyện Tháp Mười - Ảnh minh họa. |
Nhằm hiện thực hóa Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành văn bản triển khai "Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp".
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai chương trình cho vay, đồng thời nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn và tháo gỡ khó khăn cho người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát, tổng hợp và đề xuất các vùng chuyên canh, liên kết sản xuất đủ điều kiện để các tổ chức tín dụng xem xét cho vay. UBND các huyện, thành phố cũng được yêu cầu phối hợp xác định các vùng chuyên canh và chủ thể đủ điều kiện tham gia chương trình.
Đồng Tháp đã triển khai thí điểm Đề án từ vụ Thu Đông năm 2024 với diện tích gần 50 ha tại huyện Tháp Mười. Kết quả cho thấy, mô hình này giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, chi phí sản xuất giảm hơn 1,6 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng gần 4,3 triệu đồng/ha và lượng khí CO2 giảm 4,92 tấn/ha so với canh tác truyền thống.
Với những kết quả khả quan, Đồng Tháp đang nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương trong tỉnh. Mỗi huyện sẽ chọn một hợp tác xã với quy mô từ 100 ha trở lên để áp dụng quy trình canh tác bền vững theo tiêu chí của Đề án. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 50.000 ha lúa tham gia đề án và đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên khoảng 161.000 ha.
Chương trình tín dụng này được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất lúa gạo chất lượng cao, bền vững, đồng thời nâng cao thu nhập cho người nông dân và bảo vệ môi trường.