Bắc Giang đã trồng được hơn 10.000 ha rừng tập trung, đạt 130,2% kế hoạch năm - Ảnh minh họa. |
Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Giang đã trồng được hơn 10.000 ha rừng tập trung, đạt 130,2% kế hoạch năm và tăng gần 2.000 ha so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân trong tỉnh.
Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và chủ rừng tận dụng thời tiết thuận lợi để tập trung nhân lực, phương tiện trồng rừng đảm bảo đúng thời vụ. Các địa phương có diện tích trồng rừng lớn phải kể đến Sơn Động (hơn 4.500 ha), Lục Nam (gần 1.800 ha), Lục Ngạn (gần 2.000 ha) và Yên Thế (hơn 1.800 ha).
Bên cạnh việc trồng rừng tập trung, tỉnh cũng chú trọng đến trồng cây phân tán, với hơn 5,5 triệu cây đã được trồng, đạt 86,7% kế hoạch. Diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt hơn 1.300 ha, đạt 83% kế hoạch. Công tác chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn cũng được quan tâm, với 1.700 ha đã được chuyển hóa, đạt 62,7% kế hoạch.
Để đạt được những kết quả tích cực trên, ngành chức năng đã chú trọng giám sát chặt chẽ nguồn gốc giống cây trồng, khuyến khích đưa giống mới, năng suất cao vào trồng rừng. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân đến chăm sóc rừng cũng được đẩy mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả rừng trồng.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ trồng rừng năm 2025, bao gồm mặt bằng, cây giống, phân bón... Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp, khuyến cáo người dân lựa chọn cây giống đảm bảo chất lượng, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại rừng, đặc biệt là bệnh bạc lá trên cây bạch đàn.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung vào công tác điều tra, đánh giá năng suất rừng trồng sản xuất; thống kê tình hình khai thác, tiêu thụ và giá bán lâm sản năm 2024.
Những nỗ lực của Bắc Giang trong việc trồng rừng không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.