![]() |
2 tháng đầu năm 2025, diện tích rừng bị phá tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nâm Nung tăng 45,16 % so với cùng kỳ năm 2024 |
Theo số liệu thống kê, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, huyện Đắk Glong đã xảy ra 23 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại lên đến 4,1221 ha, chiếm 48,93% tổng diện tích rừng bị phá trên toàn tỉnh, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2024. Tại huyện Đắk Song, tình hình cũng không kém phần nghiêm trọng với 12 vụ phá rừng, diện tích thiệt hại 2,1421 ha, chiếm 25,43%, tăng 82,3% so với năm 2024. Đáng chú ý, phần lớn các vụ phá rừng đều không xác định được đối tượng vi phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra và xử lý.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị chủ rừng khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và kiểm soát tình trạng phá rừng, đồng thời chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Các biện pháp cụ thể được đưa ra bao gồm tăng cường lực lượng thường trực, tuần tra, kiểm tra tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái phép, đặc biệt là tại các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận nếu tình trạng phá rừng tiếp tục gia tăng.
Đối với UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa cần thành lập ngay các chốt liên ngành tại các khu vực rừng do UBND xã quản lý, tập trung tại các xã có tình trạng phá rừng nghiêm trọng, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đất đai, dân cư, chỉ đạo đoàn kiểm tra tăng cường tuần tra, kiểm tra, hỗ trợ các chủ rừng ngăn chặn hành vi vi phạm, rà soát, xây dựng phương án cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, huy động mọi nguồn lực để kiểm soát tình hình, không để tình trạng vi phạm kéo dài.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, điều động, tăng cường lực lượng kiểm lâm, sử dụng các thiết bị công nghệ để hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, phối hợp điều tra, xử lý các vụ vi phạm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, chủ rừng thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
UBND tỉnh cũng giao Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xử lý các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm, đặc biệt là tại huyện Đắk Glong, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để bắt giữ các đối tượng vi phạm, chỉ đạo công an xã kiểm soát địa bàn, quản lý các đối tượng khả nghi.
Công văn cũng yêu cầu Huyện ủy Đắk Glong và Đắk Song cần Chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn phá rừng, cháy rừng, bên cạnh đó UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh sẽ xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức, cá nhân liên quan nếu tình trạng phá rừng tiếp tục gia tăng.
UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: “ Trong thời gian tới, nếu tình trạng phá rừng tại các đơn vị tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định”./.