Trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Văn Kiên ở thôn Tân Bình, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song |
Trước đó, nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song ngang nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, tự ý trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tạo ra mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến không khí cũng như đời sống của người dân. Đặc biệt, chỉ cần một thời gian ngắn nữa sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe của những người dân làm rẫy xung quanh đây.
Chiều ngày 5/9, PV Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã tìm hiểu, theo chỉ dẫn của người dân, PV đã trực tiếp ghi nhận tại một trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Văn Kiên tại thôn Tân Bình, xã Đắk Hòa. Mùi hôi thối nồng nặc xộc lên từ khu vực chứa nước thải ở phía đằng sau trại heo, được xả trực tiếp ra môi trường đã xông thẳng vào khiến mọi người cảm thấy đau đầu, khó thở. Không chỉ vậy, khu vực này toàn một màu đen kịt bao phủ mặt nước, chất thải đen đặc quánh tràn lan khắp nơi. Nước thải được bơm trực tiếp ra môi trường một cách vô tội vạ, tạo thành những váng đen dày đặc trên mặt nước.
Nước thải của trại heo ông Nguyễn Văn Kiên được bơm, xả trực tiếp ra môi trường |
Tiếp xúc với nhóm PV, ông T một người dân hay đi làm rẫy qua trại heo bức xúc nói: “Tôi đã sinh sống và làm cà phê ở đây đã từ lâu, chưa bao giờ phải chịu đựng mùi hôi thối kinh khủng như vậy. Mỗi lần đi qua đây, đều phải ngửi mùi phân heo nồng nặc, mùi hôi thối lắm, nhức cả đầu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của những người dân. Nhất là vào những ngày mưa nhiều thì mùi hôi thối còn kinh khủng hơn nữa. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc và có biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của các trại chăn nuôi heo trên địa bàn gây ra”.
Bà N. Là người cũng hay đi làm rẫy qua đây, than thở: “Cái khổ của chúng tôi ở đây cơ quan chức năng nào thấu đây. Tại sao trại heo này lại có thể xả nước thải lung tung như thế được ?. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý nghiêm”.
Khu vực này toàn một màu đen kịt bao phủ mặt nước, chất thải đen đặc quánh tràn lan khắp nơi. Nước thải được bơm trực tiếp ra môi trường một cách vô tội vạ, tạo thành những váng đen dày đặc trên mặt nước. |
Ghi nhận hiện trường xong, PV thông tin qua điện thoại với ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Đắk Hòa với mục đích để chính quyền xã nắm được và chỉ đạo kiểm tra xử lý thì ông Trần Văn Được cho biết: “Có gì thì sáng mai mình trao đổi lại ”.
Tòa soạn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.
Hành vi xả chất thải chăn nuôi ra môi trường bị xử phạt thế nào?
1. Chất thải chăn nuôi là gì? - Theo khoản 1 Điều 59 Luật Chăn nuôi 2018 quy định chất thải chăn nuôi trang trại bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và chất thải khác. - Theo Điều 60 Luật Chăn nuôi 2018 thì chất thải chăn nuôi nông hộ bao gồm phân, nước thải, khí thải chăn nuôi, vật nuôi chết vì dịch bệnh và các chất thải nguy hại khác. 2. Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi 2.1. Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trong chăn nuôi trang trại Chăn nuôi trang trại là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất, kinh doanh chăn nuôi. (Theo khoản 4 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018) - Xử lý chất thải chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ: Theo khoản 2 Điều 59 Luật Chăn nuôi 2018 quy định xử lý chất thải có nguồn gốc hữu cơ như sau: + Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản; + Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng; + Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường. - Xử lý nước thải chăn nuôi: Theo khoản 3 Điều 59 Luật Chăn nuôi 2018 quy định xử lý nước thải chăn nuôi như sau: + Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; + Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng; + Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng. - Xử lý khí thải chăn nuôi: Theo khoản 4 Điều 59 Luật Chăn nuôi 2018 quy định xử lý khí thải chăn nuôi như sau: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi. - Xử lý các chất thải khác: Theo khoản 5 Điều 59 Luật Chăn nuôi 2018 quy định xử lý chất thải khác như sau: Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường. 2.2. Quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ Chăn nuôi nông hộ là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình. (Theo khoản 3 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018) Theo Điều 60 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về chủ chăn nuôi nông hộ có trách nhiệm xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ như sau: + Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh; + Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường. 3. Xử phạt hành chính đối với hành vi xả chất thải chăn nuôi ra môi trường 3.1. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi xả chất thải chăn nuôi trang trại ra môi trường Theo Điều 30 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại như sau: - Mức xử phạt hành chính vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ: Hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị xử phạt như sau: - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn. - Mức xử phạt hành chính vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi: Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị xử phạt như sau: - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn. - Mức xử phạt hành chính vi phạm quy định về khí thải chăn nuôi: Hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi bị xử phạt như sau: - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn; - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 3.2. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi xả chất thải chăn nuôi nông hộ ra môi trường Theo Điều 31 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ như sau: - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh. - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt hành chính đối với hành vi xả chất thải chăn nuôi trang trại và nông hộ trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi. (Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 14/2021/NĐ-CP) Như vậy, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện việc xử lý chất thải khi chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nông hộ, nếu có hành vi vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. |