![]() |
Chứng nhận đưa tri thức trồng và chế biến cà phê của tỉnh Đắk Lắk vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia |
Ðắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà-phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 210.000ha và sản lượng hằng năm hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà-phê toàn quốc. Cà-phê là cây trồng chủ lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, mang lại nguồn sinh kế cho người dân.
Ðược sự hỗ trợ của các bộ, ngành và sự nỗ lực của tỉnh, nhất là sự năng động của các doanh nghiệp, đến nay, sản phẩm cà-phê của tỉnh Ðắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Những năm gần đây, việc sản xuất, chế biến cà-phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn được khai thác phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, sinh thái… thu hút ngày càng tăng lượng du khách đến thăm quan du lịch tại Đắk Lắk.
Cụ thể, ngày 5/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo quyết định này, "Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk" đã chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
![]() |
Quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Tri thức dâng gian Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk |
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố quyết định đưa “Tri thức trồng và chế biến cà-phê Đắk Lắk” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc Tri thức dân gian ngay trước ngày khai mạc Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 không chỉ làm cho người trồng, chế biến cà-phê ở Đắk Lắk thêm niềm tự hào mà còn góp phần tăng giá trị cho hạt cà-phê, đồng thời làm cho không khí Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột thêm vui tươi, phấn khởi.
Tri thức trồng và chế biến cà phê được nhận diện ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, khảo sát tập trung chủ yếu tại thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắk, Ea H’leo, Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ.
Chủ thể văn hóa của "Tri thức trồng và chế biến cà phê" là những cá nhân, gia đình nắm giữ tri thức trồng và chế biến cà phê được trao truyền qua các thế hệ trong gia đình, cộng đồng, bao gồm hầu hết những người dân tộc tại chỗ như Ê Đê, M’Nông và cả những người nhập cư từ nơi khác đến đây sinh sống và trồng cà phê từ những năm 50 của thế kỷ XX. Đặc biệt, tri thức trồng và chế biến cà phê không ngừng được kế thừa, sáng tạo và phát triển theo thời gian.
Chủ thể văn hóa của "Tri thức trồng và chế biến cà phê" là những cá nhân, gia đình nắm giữ tri thức trồng và chế biến cà phê được trao truyền qua các thế hệ trong gia đình, cộng đồng, bao gồm hầu hết những người dân tộc tại chỗ như Ê Đê, M’Nông và cả những người nhập cư từ nơi khác đến đây sinh sống và trồng cà phê từ những năm 50 của thế kỷ XX. Đặc biệt, tri thức trồng và chế biến cà phê không ngừng được kế thừa, sáng tạo và phát triển theo thời gian.
Ông Nguyễn An Sơn (SN 1964, trú tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình ông đã gắn bó với cây cà phê từ năm 1960. Khi đó, bố ông làm việc trong một đồn điền cà phê của Pháp và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Sau giải phóng, bố ông đã thực hiện làm vườn cà phê tiểu điền (2-3ha). Sau này, bố ông lớn tuổi không làm nổi nữa thì đã giao cho ông Sơn tiếp quản.
![]() |
Quyết định công nhận di sản văn hóa tri thức trồng và chế biến cà phê của Đắk Lắk mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái, văn hóa và nông nghiệp; hiện thực khát vọng điểm đến của cà phê thế giới |
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (gọi tắt là Công ty Vương Thành Công) chia sẻ: “bắt đầu bén duyên với cà phê từ năm 2012, sau 5 năm tìm hướng đi riêng, công ty chính thức chuyển đổi từ cà phê vô cơ sang hữu cơ vào năm 2017, Chúng tôi cố gắng biến những thứ liên quan đến cà phê bị bỏ đi thành những sản phẩm du lịch đặc biệt, có giá trị, mang dấu ấn của thủ phủ cà phê để du khách mua làm quà tặng. Khách du lịch cũng rất thích thú vì thông qua những hoạt động trải nghiệm này họ có kiến thức, hiểu sâu hơn về cà phê hữu cơ cũng như nhận biết được sự khác biệt giữa cà phê hữu cơ và cà phê thông thường. Điều đáng mừng là trong số những khách du lịch đến để trải nghiệm đã trở thành đối tác làm ăn của công ty vì họ tìm thấy sản phẩm đạt yêu cầu của mình đặt ra”, ông Lê Văn Vương cho biết thêm.
Là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê tại tỉnh Đắk Lắk, ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông Trại EDE cho hay, từ trước đến nay, khi nhắc đến cà phê, hầu hết người tiêu dùng chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng – những ly cà phê thơm ngon trên thị trường. Ít ai hiểu được công sức, tâm huyết của những người nông dân và những người chế biến đã góp phần tạo nên chất lượng của các sản phẩm cà phê. Vì vậy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận "Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã mang lại giá trị tinh thần to lớn.
![]() |
Xuất khẩu lô cà phê thành phẩm đầu tiên đến Hoa Kỳ của một doanh nghiệp tại Đắk Lắk |
"Sự ghi nhận này không chỉ tiếp thêm niềm tin, động lực cho những người trồng và chế biến cà phê mà còn là sự tôn vinh kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với những người đã góp phần tạo nên hạt cà phê chất lượng cho người tiêu dùng", ông Hữu chia sẻ.
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang nắm giữ trong tay một nguồn tri thức hết sức có giá trị đó là "Tri thức trồng và chế biến cà phê".
Vẫn theo lời từ ông Đại, tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định đưa "Tri thức trồng và chế biến cà phê" trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Qua đó, không chỉ nhằm tôn vinh những giá trị của cà phê mà còn ghi nhận sự đóng góp của những người nông dân, người chế biến đã cống hiến cho ngành cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Việc công nhận di sản này cũng góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hạt cà phê, giúp người nông dân có cuộc sống ấm no và thúc đẩy sự phát triển của ngành cà phê. Đồng thời, đây cũng là cơ hội quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Đắk Lắk đến với du khách trong và ngoài nước. Đắk Lắk không chỉ là điểm đến để trải nghiệm văn hóa, mà còn là nơi để thưởng thức, trải nghiệm các hoạt động trồng và chế biến cà phê.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào việc rang xay, chế biến cà phê |
Ông Đại còn cho biết, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Đồng thời, sẽ xây dựng lộ trình để đề xuất, công nhận các nghệ nhân trồng và chế biến cà phê, nhằm tôn vinh những người đã góp phần lưu giữ và phát triển tri thức quý báu.
Đồng thời, việc công nhận di sản này cũng góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hạt cà-phê, giúp người nông dân có cuộc sống ấm no và thúc đẩy sự phát triển của ngành cà phê. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Đắk Lắk đến với du khách trong và ngoài nước, nhất là thông qua Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 diễn ra từ ngày 9 đến 13/3 tới, đặc biệt tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới./.