Xâm nhập mặn là thách thức thường niên đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh minh họa. |
Mùa khô 2024-2025, xâm nhập mặn được dự báo sẽ đến sớm và khốc liệt hơn so với năm trước, đặt ra thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình đó, các tỉnh miền Tây đang chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó, từ việc tích trữ nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến đầu tư xây dựng các công trình cấp nước.
Tại Bến Tre, nhiều nhà vườn đã nạo vét kênh mương, bơm nước ngọt dự trữ để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Ông Nguyễn Văn Quận, một nhà vườn trồng bưởi da xanh ở huyện Châu Thành, cho biết hiện độ mặn nguồn nước vẫn ở mức thấp, nhưng ông vẫn lo lắng vì tình hình xâm nhập mặn có thể diễn biến phức tạp.
Tỉnh Tiền Giang cũng đang khuyến cáo người dân tại các huyện ven biển chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không nên tiếp tục gieo sạ lúa Đông Xuân do nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn.
Nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, tỉnh Cà Mau đang triển khai xây dựng 6 công trình cấp nước tập trung với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Các công trình này dự kiến sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 14.000 hộ dân tại các vùng khan hiếm nước ngọt, nguồn nước bị ô nhiễm, xâm nhập mặn.
Tỉnh Long An triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc tăng cường quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi đến bảo vệ nguồn nước, phòng chống ô nhiễm. Tỉnh cũng chủ động phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi của hạn mặn đối với hạ tầng thủy lợi.
UBND tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp với Công ty CP Đầu tư ngành nước DNP triển khai Dự án Trạm bơm nước thô vùng Tây Nam sông Hậu và hệ thống ống truyền tải cung cấp nước cho 3 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.800 tỷ đồng, nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, khắc phục tình trạng xâm nhập mặn và khai thác quá mức nước ngầm.
Xâm nhập mặn là thách thức thường niên đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để ứng phó hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, các ngành và người dân. Bên cạnh các giải pháp tình thế như tích trữ nước ngọt, chuyển đổi cây trồng, cần đầu tư các công trình hạ tầng mang tính chiến lược, đảm bảo nguồn nước ngọt bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.