![]() |
Bà Nguyễn Thị Oanh, khu 5, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An thu hoạch lá thuốc lá với kỳ vọng sản lượng cao hơn năm trước. |
Nhiều năm trước, nông dân huyện Hòa An đã trồng cây thuốc lá. Được các công ty, doanh nghiệp đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, từ canh tác nhỏ lẻ, nông dân vùng trồng của huyện đã biết sản xuất theo hướng hàng hoá. Là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây thuốc lá được huyện Hoà An chỉ đạo đầu tư phát triển hình thành vùng trồng tập trung lớn nhất của tỉnh Cao Bằng.
Theo bà Nông Thị Thương, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòa An, vụ đông xuân 2024 – 2025, huyện Hoà An trồng 1.776 ha cây thuốc lá, tăng 184 ha so với vụ đông xuân trước. Được doanh nghiệp đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị, nông dân vùng trồng cây thuốc lá của huyện được hỗ trợ cung ứng giống, phân bón, tập huấn kiến thức kỹ thuật trồng, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Toàn huyện vụ thu hoạch lá thuốc lá năm 2024, năng suất bình quân đạt gần 28 tạ/ha, sản lượng 4.632 tấn, giá bán lá thuốc lá sấy khô loại 1 từ 60.000 – 63.000 đồng/kg, giá trị sản xuất ước đạt 280 tỷ đồng.
Để phát triển cây thuốc lá đảm bảo bền vững, huyện Hoà An xây dựng kế hoạch vùng trồng cho từng năm, phát triển chuỗi liên kết giá trị, phối hợp với doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng giống mới có năng suất, chất lượng cao và vật tư nông nghiệp đúng chuẩn cho nông dân. Khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, đúng danh mục, thực hiện chính sách thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, huyện Hoà An có 6 công ty tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, hợp đồng với nông dân vùng trồng sản xuất cây thuốc lá. Công ty TNHH Thương mại Thu Công, năm 2025 đã đầu tư hơn 600 triệu đồng hỗ trợ nông dân xây lò sấy lá thuốc lá và mua thiết bị phục vụ sản xuất, ứng trước hơn 80 tấn phân bón trị giá 1,5 tỷ đồng, giúp nông dân có điều kiện phát triển trồng cây thuốc lá.
![]() |
Niên vụ thuốc lá năm 2024 của huyện Hòa An năng suất bình quân gần 28 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 4.632 tấn. |
UBND huyện Hòa An khuyến khích phát triển các mô hình tổ hợp tác sản xuất giúp người trồng có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với nhà đầu tư thống nhất giá thu mua sản phẩm lá thuốc lá, kiểm tra, quản lý chặt chẽ tình trạng tư thương tranh mua, ép giá, đảm bảo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, nông dân vùng trồng yên tâm sản xuất. Sự liên kết giữa nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp của huyện Hoà An đã thúc đẩy sản xuất cây thuốc lá phát triển ổn định, bền vững. Thu nhập từ cây thuốc lá không chỉ giúp hàng ngàn hộ dân vùng trồng thoát nghèo, mà còn đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn theo mùa vụ.
Bà Nguyễn Thị Oanh, thị trấn Nước Hai phấn khởi cho biết, vụ đông xuân 2024 – 2025, gia đình tôi mở rộng diện tích gần 6.000 m2 trồng cây thuốc lá. Vụ thu hoạch lá thuốc lá trước, gia đình tôi thu được hơn 2,2 tấn lá thuốc lá đã qua sấy khô, bán giá 63.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lợi hơn 80 triệu đồng. Vụ thu hoạch năm nay chắc cho sản lượng cao hơn.
Cũng tại thị trấn Nước Hai, ông Đặng Văn Hài chia sẻ, năm nay gia đình tôi trồng gần 6.000 m2. Gia đình tuân thủ đúng quy trình sản xuất cây thuốc lá được tập huấn, từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước đến thu hoạch, sấy lá và bảo quản, nên năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo, giá bán cũng cao hơn.
![]() |
Dự kiến năm nay giá trị sản xuất từ cây thuốc lá của xã Nam Tuấn, huyện Hòa An ước đạt gần 100 tỷ đồng. |
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Nam Tuấn cho biết, xã Nam Tuấn là vùng trồng cây thuốc lá lớn nhất huyện Hòa An, xã hiện có 489 ha trồng cây thuốc lá. Xã vận động nông dân trồng tập trung và phối hợp với doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân và hỗ trợ xây lò sấy thuốc lá hiện đại, giúp nông dân bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, dự kiến năm nay, giá trị sản xuất từ cây thuốc lá của xã ước đạt gần 100 tỷ đồng. Hộ ông Nông Văn Công, xóm Nguyên Giáp, xã Nam Tuấn điển hình về trồng cây thuốc lá. Ông Công chia sẻ “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa, thu nhập chẳng đáng là bao. Hai năm nay, gia đình chuyển sang trồng 1,8 ha cây thuốc lá, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng, nhờ đó, gia đình có tiền trang trải cuộc sống và có kinh phí cho con học hành”.
Phát triển trồng cây thuốc lá góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn vùng cao khó khăn của huyện Hoà An. Xóm Văn Thụ, xã Nam Tuấn có 40 hộ dân tộc Mông sau khi được tuyên truyền và hỗ trợ đã có 14 hộ trồng 9 ha cây thuốc lá. "Nhờ cây thuốc lá, cuộc sống chúng tôi đã cải thiện rất nhiều", một người dân ở đây vui vẻ nói. Chủ tịch UBND xã Nam Tuấn Lê Đình Hải nhận đinh, cây thuốc lá không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Mông ở xóm Văn Thụ vào các chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó vươn lên trong cuộc sống.
Phát triển vùng trồng cây thuốc lá tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá của huyện Hoà An là hướng đi thích hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế. Cây thuốc lá trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Hoà An, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống nông dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn của huyện phát triển bền vững.