Dự kiến dịp Tết Ất Tỵ, ông Hoàng Văn Ngọc, xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An sẽ xuất vườn từ 5.000 đến 10.000 khóm hoa địa lan. |
Tại xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, ông Hoàng Văn Ngọc chăm sóc vườn hoa địa lan với quy mô lớn. Ông Ngọc đã cải tạo vườn tạp để chuyên canh hoa địa lan, đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tự động, khung giàn và mái che. “Chuẩn bị cho hoa nở đúng dịp Tết, tôi đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc từ tháng 6/2024. Nhờ vậy, dù bị ảnh hưởng thời tiết lạnh giá, tôi vẫn chủ động điều chỉnh để hoa nở đúng thời điểm”. Ông Ngọc chia sẻ.
Dự kiến dịp Tết năm nay, gia đình ông Ngọc xuất vườn từ 5.000 - 10.000 khóm địa lan, tiếp tục nhân giống một số loại lan quý phục vụ thị trường. Có kế hoạch mở rộng diện tích thêm 2.000 m2, gắn với phát triển du lịch nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Tại xóm Sẻ Pản, xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình, ông Bàn Tòn Nhì cũng tất bật với công việc chăm sóc hơn 3 vạn khóm địa lan. Ông Nhì dự kiến đưa ra thị trường khoảng 2,5 vạn khóm hoa, với giá bán từ 200.000 - 300.000 đồng/cành tại Cao Bằng,
Ông Nhì chia sẻ, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật và đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới tiêu, vườn lan của tôi phát triển tốt. Các chậu lan lớn có đến 80 cành hoa đang ra nụ. Tôi kỳ vọng vào một vụ hoa Tết thành công. Năm trước, trừ các chi phí, gia đình tôi thu hơn 200 triệu đồng từ mô hình trồng địa lan.
Hội Địa lan Thăng Long, Hà Nội tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại vườn địa lan ông Hoàng Văn Ngọc, xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An. |
Theo Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng tỉnh Cao Bằng, toàn tỉnh Cao Bằng hiện có khoảng 150 hộ trồng địa lan, tập trung ở các huyện: Hòa An, Trùng Khánh và thành phố Cao Bằng. Mô hình trồng địa lan mang lại thu nhập ổn định, góp phần quảng bá hình ảnh Cao Bằng đến bạn bè trong, ngoài tỉnh. Ông Đàm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng tỉnh Cao Bằng nhận định, những năm gần đây trồng địa lan đã trở thành hướng đi mới ở nhiều địa phương tỉnh Cao Bằng. Trung tâm tiếp tục hỗ trợ, cung cấp giống và khuyến khích người dân đầu tư vào cây trồng này.
Không chỉ riêng các nhà vườn, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cao Bằng phối hợp với Hội Địa lan Thăng Long, Hà Nội tích cực tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Bà Hà Phương Thảo, đại diện Hội Địa lan Thăng Long chia sẻ, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn nguồn gien hoa lan bản địa, đồng thời hỗ trợ hội viên tìm hiểu kỹ thuật nhân giống và tạo thế cho các loại lan quý hiếm.
Theo ông Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch Hội Làm vườn Cao Bằng, để hoa địa lan nở đúng dịp Tết, các nhà vườn cần chú trọng kỹ thuật chăm sóc, tỉa mầm và bón phân hợp lý. Từ tháng 6 đến tháng 10 cần tăng cường bón lân, kali, giảm đạm để thúc đẩy phân hóa mầm hoa. Việc khống chế nước trong thời kỳ này cũng rất quan trọng để đảm bảo chất lượng hoa.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các nhà vườn, hoa địa lan Cao Bằng hứa hẹn sẽ làm hài lòng người yêu hoa trong và ngoài tỉnh, đem lại sắc xuân rực rỡ và giá trị kinh tế cao cho người trồng hoa.