Quang cảnh phiên họp. |
Sáng 29.10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày cho biết, về thuế suất 5%, có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%.
Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế Giá trị gia tăng số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí. Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất.
Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế VAT đầu vào. Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, đã có nhiều kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế suất 5% và được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế VAT phải nộp. Tuy nhiên, hiện nay tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế VAT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất. Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách mới ban hành, có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.
Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu ý kiến. |
Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, khi Quốc hội và Chính phủ bàn những lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp thì không thể ban hành một chính sách nào để gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, bởi trên hết sẽ hướng tới chính sách tốt nhất cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bởi doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ không bị ảnh hưởng và sẽ góp phần giảm được giá bán của phân bón.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) phát biểu ý kiến. |
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, ngành phân bón đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và phát triển nông nghiệp. Do vậy, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững. Trường hợp tiếp tục giữ phân bón trong diện không chịu thuế VAT như hiện hành có thể thấy các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón tiếp tục là đối tượng hưởng lợi. Trong khi đó, đối tượng bị ảnh hưởng là tất cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón trong nước và ngành sản xuất này có thể bị thu hẹp dần và được thay thế bằng phân bón nhập khẩu. Khu vực nông nghiệp về lâu dài sẽ phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững vì phân bón là đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và chịu nhiều tác động của cung cầu thị trường trên thế giới.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu ý kiến. |
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nêu rõ, việc áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón chính là việc cùng lúc chúng ta thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất; đồng thời, phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước. Về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này.