Ảnh minh họa. |
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%; Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế Giá trị gia tăng số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí. Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất. |
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu ý kiến. |
Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, khi Quốc hội và Chính phủ bàn những lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp thì không thể ban hành một chính sách nào để gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, bởi trên hết sẽ hướng tới chính sách tốt nhất cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bởi doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ không bị ảnh hưởng và sẽ góp phần giảm được giá bán của phân bón.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu ý kiến. |
Bàn về vấn đề này, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) cũng cho rằng, có thể yên tâm về sự thay đổi này so với luật hiện hành. "Việc áp thuế 5% đối với phân bón không đồng nghĩa với việc mặt hàng này sẽ tăng giá. Đồng thời, các báo cáo đánh giá còn cho thấy năng lực sản xuất phân bón rất lớn, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, tỷ trọng phân bón nhập khẩu so với sản xuất trong nước chỉ chiếm 27%, nếu áp dụng thuế suất 5%, nhập khẩu vào cũng chịu 5% và cũng chịu sự điều tiết chung với phân bón trong nước."
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. |
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh: việc áp thuế VAT đối với phân bón không chỉ có lợi với các doanh nghiệp trong nước mà còn có lợi với người nông dân. Bởi, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, hướng tới tự chủ, tự lập, tự cường nhưng trước dự báo làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường, đại biểu lo ngại các loại hàng hoá quan trọng như phân bón, thuốc thú y, thức ăn gia súc, dược phẩm... khi bị thuộc lớn sẽ có nguy cơ không tồn tại được.
Do đó, phải nhìn nhận lại các chính sách thuế để khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hoá cho các ngành công nghiệp, "khi tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ có thể chi phối được và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng"- đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu tán thành với những ý kiến của các đại biểu ủng hộ, thông cảm với người nông dân, "tuy nhiên, nhưng chúng ta đừng quên doanh nghiệp là nơi hàng triệu lao động, giai cấp công nhân đang làm việc ở đó và nếu như họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân này sẽ như thế nào", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Trước nhiều ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước đây, thuế giá trị gia tăng với phân bón là 5%. Sau khi có nhiều ý kiến phản ánh, Quốc hội đã ban hành Luật số 71/2014/QH13 năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015 đến nay quy định phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng.
Hiện nay, các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Phân bón, các đoàn đại biểu Quốc hội: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định... đề nghị sửa nội dung này. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV cũng đã đưa mục này vào rà soát.
Về giá phân bón, Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng cho rằng, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào thuế tăng hay giảm mà còn phụ thuộc vào giá thành sản xuất, thị trường, nhân công, năng suất lao động, hiện đại hóa, đặc biệt là cung cầu. Nếu cố định được tất cả các chi phí này thì mới đánh giá được thuế làm tăng hay giảm giá phân bón.
"Khi thực hiện không thu thuế giá trị gia tăng với phân bón, giai đoạn 2018-2022, giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71%-43,6%. Năm 2023, giá đạm ure lại tăng 6,29%-6,4% do chiến tranh Nga-Ukraina làm nhu cầu tăng lên nhưng nguồn cung lại ít. Như vậy, giá phân bón phụ thuộc cơ bản vào thị trường cung cầu.
Xét về lợi ích của doanh nghiệp, khi thu thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá nhưng chủ yếu là giá nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi, tăng khả năng cạnh tranh.
Theo tính toán, khi áp thuế như đề xuất, doanh nghiệp nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ nộp 200 tỷ đồng. Như vậy, lợi ích tốt cho doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giảm giá bán cho người nông dân"- Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng thông tin thêm.