![]() |
Việc tăng cường quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước |
Theo Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như việc tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương tới địa phương chưa hiệu quả, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa chưa được quan tâm đúng mức,công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Phối hợp giữa các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao với cơ quan báo chí, truyền thông để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa.
Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến.
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 01/7/2025, Luật Di sản văn hóa (Luật số 45/2024/QH15 ngày 23/11/2024) có hiệu lực thi hành, giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn được đưa vào các danh mục kiểm kê, được xếp hạng, ghi danh, công nhận trong các danh mục của quốc gia, các danh sách, danh mục của UNESCO. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động có kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa của địa phương, người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, tạp chí của địa phương mình có kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Việc tăng cường quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước./.