![]() |
Hàng ngày chị Tống Thị Hiền đều cùng người lao động làm việc tại nông trại. |
Từ những ruộng lúa, cánh đồng trồng màu bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả, nhiều hộ dân vẫn có tư tưởng giữ đất. Năm 2018, chị Tống Thị Hiền, người gốc phường Đông Tiến (hiện nay sống tại phường Hạc Thành), tỉnh Thanh Hóa quyết tâm dồn điền đổi thửa, làm nông trại sản xuất nông nghiệp tập trung theo mô hình hữu cơ.
Nghĩ là làm, chị và chồng bắt tay vào vận động các hộ dân, tích tụ được 3ha đất để sản xuất. Xuất phát từ người làm nông nghiệp, nhưng khi làm nông nghiệp tập trung và công nghệ cao thì vợ chồng chị Hiền gặp không ít khó khăn vất vả. Việc huy động nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp không hề nhỏ, từ tiền đất tới hạ tầng đường bê tông dẫn vào nông trại, đường nội đồng, hệ thống thoát nước, đường điện, nhà màng… mất nhiều công sức và tiền của.
Mặc dù khó khăn, nhiều khi nghĩ phải bỏ giữa chừng nhưng nghĩ đến đất đai chị Hiền lại tiếc và tự động viên mình phải cố gắng vươn lên. Vừa bắt tay vào xây dựng, sản xuất, chị Hiền vừa tiếp tục vận động người dân thu gom đất. Đến năm 2020 vợ chồng chị Hiền đã tích tụ được 7ha, từ đó chị Hiền nung nấu ý định xây dựng một nông trại, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, giám sát được quá trình trồng, chăm sóc.
Đến giờ nông trại của chị Hiền có trên 30 loại rau, củ, quả các loại như: rau ngót, mồng tơi, rau muống, su su, bí đao, bí đỏ, dưa vàng, nho hạ đen, lợn đen, gà H’mông và các loại rau thơm…
![]() |
Vườn nho của nông trại được người lao động chăm sóc tỉ mỉ. |
Chị Hiền tâm sự: “Bắt đầu năm 2018, tôi đặt nền móng đầu tiên để xây dựng nông trại, ban đầu diện tích là 3ha, hiện tại quy mô của nông trại là7ha. Diện tích này trước đây là khu vực trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn về đường sá và hệ thống tưới tiêu dẫn tới người dân bỏ hoang rất nhiều. Vợ chồng tôi đã bỏ rất nhiều công sức để xây dựng hạ tầng để đảm bảo được sản xuất.Hiện nay, tôi đang cung ứng thực phẩm cho các siêu thị, bếp ăn tập thể vì vậy xây dựng nông trại sẽ giúp ổn định đầu vào, kiểm soát được chất lượng hàng hóa rất quan trọng”.
![]() |
Nông trại Hiền Nhuần thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương. |
Ngoài việc cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, chị Hiền cũng đang làm thủ tục xin phép các ngành chức năng mở thêm dịch vụ thăm quan trải nghiệm để lan tỏa giá trị tới nhiều người, mang sản phẩm tới nhiều người tiêu dùng, tạo được thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Toàn bộ khu vực trong khuôn nông trại của gia đình chị Hiền đều khong sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây trồng, vật nuôi. Từng luống rau xen lẫn cỏ dại, cỏ để giữ đất, sau vụ thu hoạch sẽ dùng máy phát cắt cỏ, ủ làm phân bồi bổ lại đất, trả lại dinh dưỡng cho đất. Các loại cây trồng dùng phân chuồng ủ hoai mục để làm phân lót. Nông trại cũng đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với thu nhập khoảng 200.000 đồng/người/ngày. Chủ yếu là những lao động trên 60 tuổi, khó tìm được công việc khác ngoài phụ thuộc vào mấy sào cấy lúa.
![]() |
Bà Đỗ Thị Tâm cùng nhiều người có tuổi mỗi ngày đều làm việc từ thu hoạch rau, củ, quả tại nông trại Hiền Nhuần. |
Theo bà Đỗ Thị Tâm, một lao động tại nông trại Hiền Nhuần, phường Đông Tiến, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tôi đã làm ở nông trại của cô Hiền được 6 năm, lương mỗi ngày bình quân là 200.000 đồng/ngày. Chúng tôi là những người cao tuổi, khó tìm được việc làm, may mắn có nông trại của cô Hiền nên chúng tôi tìm được công ăn việc làm, có thêm thu nhập.
Nhờ có chính sách tích tụ đất đai, hỗ trợ của Nhà nước là động lực để người đam mê nông nghiệp như chị Tống Thị Hiền từ nghĩ tiến tới dám làm. Người phụ nữ kiên cường như chị Tống Thị Hiền đã biến vùng đất hoang thành nông trại trù phú và thỏa đam mê với nông nghiệp.